Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Nghiên Cứu Khoa Học

Ba yếu tố làm nên bài báo quốc tế

Cập nhật 20/03/2013 - 10:46:16 AM (GMT+7)

Tài, tiền và cơ chế hỗ trợ hợp lý là ba yếu tố cơ bản có thể giúp người nghiên cứu viết và có bài báo khoa học đăng trên tạp chí thẩm định quốc tế.

Anh Hoàng Chí Cương, nghiên cứu sinh tại Đại học Waseda Nhật Bản trong bài viết gửi VnExpress chia sẻ cách hiểu về một bài báo khoa học và tạp chí thẩm định quốc tế, cùng phương pháp để các nhà khoa học có thể viết và đăng bài báo trên tạp chí quốc tế:

Trước hết, ta hãy xem thế nào là một bài báo khoa học? Thế nào là một tạp chí có thẩm định quốc tế? Có thể hiểu nôm ba, bài báo khoa học (scientific paper) là bài báo có nội dung khoa học được đăng tải trên một tạp chí khoa học đã qua hệ thống thẩm định (peer - reviewed/refereed) của tạp chí. Tạp chí khoa học có hệ thống thẩm định bài trước khi đăng được gọi là tạp chí thẩm định (peer - reviewed/refereed journal).

Tạp chí thẩm định có ban biên tập gồm các thành viên từ nhiều nước khác nhau trên thế giới được xem như tạp chí thẩm định quốc tế (international peer - reviewed/refereed journal). Các tạp chí này tất nhiên có mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN – International Standard Serial Number). Gần đây, một số tạp chí dùng cả hai hình thức xuất bản phẩm là “in” (print) hoặc “điện tử” (electronic publication) xem trực tuyến trên website.

Thông thường một bài báo khoa học có cấu trúc như sau:

1. Tiêu đề bài báo (Title): Chỉ tên bài báo, số lượng từ trong tiêu đề bài báo tùy theo quy định từng tạp chí, thông thường từ 10-18 từ phản ánh nội dung đề cập trong bài báo. Dưới tiêu đề bài báo thường là tên tác giả, tập thể tác giả, email, cơ quan công tác, ngày nhận bài báo và ngày chấp nhận đăng bài báo.

2. Tóm tắt (Abstract): Số lượng từ phần này tùy theo quy định của từng tạp chí, thông thường là 100-250 từ. Tóm tắt bài báo thường phải thể hiện vấn đề/mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, thời gian, số liệu dùng cho nghiên cứu, kết quả tác giả mới tìm ra, và kết luận. Tất cả được trình bày hết sức ngắn gọn, cô đọng. Dưới tóm tắt là từ khóa (Key words) gồm 3 - 5 từ quan trọng có tần suất lặp lại nhiều.

3. Giới thiệu (Introduction): Đây là phần dẫn nhập, phần này thường nói về cơ sở, lý do, tầm quan trọng của vấn đề tác giả muốn nghiên cứu và cấu trúc của bài báo. Quan trọng nhất là tác giả phải nêu rõ câu hỏi nghiên cứu của mình (research question).

4. Lược sử về nghiên cứu trước đây (Literature review): Một số bài báo khoa học gộp mục này với mục giới thiệu (introduction) bên trên, tùy vào ý đồ tác giả, cũng có nhiều trường hợp tách riêng. Phần này tác giả phải nêu những nghiên cứu quan trọng trước đây trên thế giới đã làm liên quan đến vấn đề mình nghiên cứu. Tác giả phải chỉ ra các nghiên cứu trước đã đi tới đâu, đạt kết quả gì? Những gì còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, hoặc bị sai lệch? kể cả về mặt lý thuyết (theoretically) và thực nghiệm (empirically), từ đó tìm cách bổ sung, hoàn chỉnh, điều chỉnh thể hiện sự đóng góp mới của tác giả cho sự phát triển khoa học.

Nếu nghiên cứu của tác giả đề cập đến một vấn đề lý thuyết hoặc thực nghiệm hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu thì phần này chỉ cần nói đến vấn đề riêng tác giả cũng có thể gộp vào phần giới thiệu. Trong thực tế, có rất ít các nghiên cứu như vậy, phần lớn được phát triển từ các nghiên cứu trước đó.

5. Phương pháp và số liệu dùng cho nghiên cứu (Methodologies and Data): Phần này đề cập nghiên cứu sử dụng phương pháp gì. Chẳng hạn như phân tích định tính (qualitative analysis), phân tích định lượng (quantitative analysis), mô tả (descriptive), thực nghiệm (empirical study)... tùy từng công trình, mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu để chọn cho phù hợp và số liệu/dữ liệu nào. Đây là công cụ giúp tác giả trả lời câu hỏi nghiên cứu của bản thân đưa ra.

6. Kết quả và thảo luận (Results and Discussion): Phần này tác giả chỉ ra, giải thích và thảo luận về các kết quả mình mới tìm thấy mà nghiên cứu trước chưa tìm ra hoặc phản bác lại kết quả của các nghiên cứu trước, hoặc bổ sung thêm để hoàn thiện về lý thuyết hoặc thực nghiệm cho các nghiên cứu trước đây đã đề cập ở mục lược sử (Literature review). Nói cách khác, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu ở mục Giới thiệu - Introduction.

7. Kết luận (Conclusion): Phần kết luận tổng lược kết quả nghiên cứu, nêu bật ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu, ứng dụng của chúng vào thực tế cuộc sống, hoặc giúp cho việc hoạch định chính sách ra sao (đóng góp (contribution) của nghiên cứu), ưu nhược điểm của nghiên cứu như thế nào, và những định hướng cho các nghiên cứu liên quan trong tương lai.

8. Tài liệu tham khảo (References): Mục này gồm các tài liệu có trích dẫn hoặc là cơ sở quan trọng cho việc phân tích logic của nghiên cứu đề cập trong bài báo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn các tạp chí đưa ra. Trên thế giới thậm chí xuất hiện các trường phái khác nhau về tiêu chuẩn cho việc viết mục tài liệu tham khảo như trường phái Đại học Chicago, Mỹ.

9. Lời cám ơn (Acknowledgements) nếu có: Là lời cám ơn tới các cơ quan, tổ chức tài trợ, các cá nhân có đóng góp, giúp đỡ cho việc viết và hoàn thiện bài báo.

Trên đây là cấu trúc (structure) của một bài báo khoa học thông thường, trong thực tế có thể có thay đổi chút ít. Khi nộp (submit) bản thảo bài báo (manuscript) của mình cho tạp chí nào tác giả cũng hết sức lưu ý về các yêu cầu trình bày một bài báo khoa học tạp chí đó cả về cấu trúc lẫn định dạng (format), kẻo bị từ chối.

Vậy làm thế nào để viết và đăng được?

Câu trả lời dưới đây cũng sẽ làm sáng tỏ tại sao các nhà nghiên cứu trong nước ít khi viết và đăng bài báo khoa học trên tạp chí thẩm định chuẩn mực quốc tế.

Ta biết rằng, đề tài nghiên cứu đôi khi xuất phát từ các ý tưởng, kinh nghiệm, hoặc sự trải nghiệm thực tế, cũng có thể từ việc quan sát các hiện tượng tự nhiên quanh ta, hay từ một đòi hỏi trong thực tiễn, gợi mở từ các nghiên cứu trước đây... Khi có ý tưởng, nảy sinh câu hỏi nghiên cứu trong đầu, người viết bắt đầu công việc thu thập số liệu, dữ liệu, định hình phương pháp, sắp xếp thời gian, cuối cùng là thực hiện hoạt động, công việc nghiên cứu.

Người làm nghiên cứu trải qua quá trình tư duy, sáng tạo, tìm tòi, tính toán, thực nghiệm, thí nghiệm, thử nghiệm, so sánh, tổng hợp, miêu tả, diễn giải, lập luận và kết luận (tìm ra câu trả lời) rồi đi tới trình bày, công bố kết quả nghiên cứu (Tất nhiên là các lĩnh vực khoa học và đề tài khác nhau sẽ có quy trình khác nhau, trên đây chỉ là quy trình chung nhất, và cũng không hẳn là chuẩn nhất).

Tuy nhiên, để tránh lặp, ta phải tìm xem trên thế giới đã làm nghiên cứu đó hay chưa hoặc họ đã làm đến đâu? Muốn vậy nhà khoa học phải cập nhật thông tin về các nghiên cứu liên quan tới vấn đề mình muốn làm bằng cách đọc/xem các công trình đã công bố trước đây trên các tạp chí, sách, ấn phẩm...

Muốn viết được phần 4 - Lược sử (Literature review) của bài báo khoa học, cần tìm đọc rất nhiều các nghiên cứu trước đó để tránh trùng lặp, tìm ra khiếm khuyết chưa hoàn thiện, những nghi ngờ về kết quả cần được kiểm tra, bổ sung, giải quyết. Việc này cũng có thể giúp ta nảy sinh một lý thuyết mới hay đề xuất một phương pháp tiếp cận khác hoàn hảo, hiệu quả hơn trong ý tưởng nghiên cứu của mình cũng như có được câu hỏi nghiên cứu (research question) độc đáo, mới.

Phải nói rằng, đây là một trong những phần quan trọng và khó khăn nhất. Vì không mấy khi ta phản bác lại được người khác, và việc tìm một kẽ hở trong nghiên cứu của người khác để phát triển hoàn thiện nó không hề đơn giản, đặc biệt trong giới nghiên cứu tại các nước phát triển đi trước Việt Nam rất xa. Điều này giải thích tại sao chương giới thiệu (introduction chapter) của luận văn tiến sĩ nước ngoài lại quan trọng như vậy, vì nó phản ánh ngay triển vọng đóng góp của luận văn trong nghiên cứu học thuật mà bản chất của nghiên cứu khoa học là tìm ra cái mới, cái hiệu quả hơn cái cũ nếu không chỉ ra được như vậy chứng tỏ nghiên cứu không có đóng góp gì về mặt khoa học cho kho tàng tri thức nhân loại.

Thông thường các nhà nghiên cứu hay tìm trên các nguồn có uy tín chính là các tạp chí thẩm định (peer – reviewed/refereed journal), tất nhiên là cả sách và các ấn bản khác. Trên mạng có thể tìm từ các trang websites như: Elsevier Science Direct, ProQuest, EBSCO, SCOPUS, Taylor & Francis Journals, Wiley Interscience v.v… Tuy nhiên phí download một bài báo lên tới vài chục USD.

Ở trong nước không mấy khi các trường, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu mua được bản quyền truy cập, cũng chẳng nhập các tạp chí thẩm định ấn bản dưới dạng in của nước ngoài mấy, nên không thể cập nhật được với thế giới. Điều này khiến giới nghiên cứu thậm chí cả giới thẩm định (reviewer) trong nước rất khó khăn trong việc viết/thẩm định phần Literature review (vô hình chung không biết mình có làm lại của thế giới không, cũng chẳng biết đã có ai làm chưa). Đây là cản trở thứ nhất đối với giới nghiên cứu trong nước.

Về phương pháp, do giới nghiên cứu trong nước không cập nhật với thế giới nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu tiên tiến của thế giới và thành tựu nghiên cứu của thế giới. Nguyên nhân, một mặt như đề cập phần trên, mặt khác do không đủ trang thiết bị thí nghiệm, hoặc từ trước tới nay chưa hề được học, trải nghiệm, rồi ít khi được tham dự hội thảo quốc tế nên không có cơ hội trao đổi học thuật hoặc liên kết với chuyên gia, giới nghiên cứu nước ngoài. Thiếu và yếu về phương pháp nghiên cứu chính là cản trở thứ hai.

Tiếng Anh

Một điểm lưu ý nữa là muốn đăng được trên các tạp chí thẩm định quốc tế, thông thường người viết phải trình bày bài báo bằng ngôn ngữ thông dùng là tiếng Anh. Đối với giới nghiên cứu trong nước, ngoại trừ những người từng học, tu nghiệp nước ngoài, số không nhỏ còn lại gặp trở ngại về việc trình bày, viết bài báo thông thạo bằng ngôn ngữ thứ hai. Đây chính là cản trở thứ ba, ngoại ngữ chưa thạo.

Như đã biết, muốn đăng được bài báo trên các tạp chí thẩm định quốc tế, bài báo phải trải qua khâu thẩm định khắt khe (peer – reviewed/refereed). Sau khi gửi cho ban biên tập, bài báo sẽ được gửi tới ít nhất hai phản biện kín độc lập, thường là những chuyên gia đầu ngành, giáo sư uy tín trên thế giới. Quá trình phản biện kín này sẽ đánh giá khách quan xem công trình nghiên cứu của tác giả có gì mới và có đóng góp gì không cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm trong khoa học. Nếu vượt qua được khâu này, tác giả bài báo sẽ nhận được một thư thông báo chấp nhận đăng kèm kết quả của phản biện.

Tác giả phải điều chỉnh, giải trình, giải thích nếu cần thiết theo yêu cầu của phản biện. Quá trình này mất tới vài tháng thậm chí cả năm đối với các tạp chí có hạng (rank) cao. Nếu bài báo không có đóng góp gì sẽ bị từ chối đăng (reject). Để khả năng được chấp nhận đăng cao, câu hỏi nghiên cứu phải rõ ràng, phương pháp nghiên cứu phù hợp, ưu việt, kết quả nghiên cứu phải mới và khác biệt (originality) mà các nghiên cứu trước còn thiếu, hoặc không tìm ra, hoặc kết luận mới của ta phản bác lại được kết luận của các nghiên cứu trước. Nói cách khác, bài báo phải có đóng góp nhất định về lý thuyết hoặc thực nghiệm cho khoa học.

Điều kiện tài chính

Tóm lại, điều kiện cần thứ nhất, muốn viết và đăng được một bài báo khoa học trên tạp chí thẩm định quốc tế thì người viết phải có tài. Cái tài ở đây muốn đề cập tới là năng lực thực sự của người làm nghiên cứu cả về chuyên môn, phương pháp nghiên cứu, lẫn trình độ ngoại ngữ, và đôi khi cần đến sự hy sinh, lòng say mê, và cả cái tâm của người làm nghiên cứu khoa học.

Điều kiện cần thứ hai ở đây chính là người viết phải có tiền. Rất nhiều tạp chí thẩm định quốc tế có uy tín trên thế giới (có chỉ số impact factor cao) có phí dịch vụ cho việc đăng và thẩm định rất cao. Có tạp chí lên tới ngót nghét 100 USD/ trang. Giả sử bài báo của bạn 20 trang mất gần 2000 USD cho việc đăng một bài báo khoa học. Tiền đăng bài gấp đôi cả thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam một năm. Vậy nên, muốn giảm chi phí cho việc đăng, các nhà nghiên cứu thường viết rất súc tích và cô đọng, trên dưới 10 trang đối với các tạp chí có phí cao, còn đối với tạp chí phí thấp hơn có thể cân đối viết dài hơn một chút. Ngoại trừ các nghiên cứu được tài trợ thì với mức thu nhập của người làm nghiên cứu trong nước hiện nay rất khó khăn đăng bài viết cho dù họ có cả chuyên môn, ngoại ngữ và phương pháp nghiên cứu tốt. Đây là cản trở thứ tư, tài chính hạn hẹp.

Điều kiện đủ thứ ba ở đây chính là chính sách cho người làm nghiên cứu. Chính sách ở đây chính là các cơ chế và đãi ngộ để có được một môi trường tốt cho những người làm nghiên cứu phát huy hết khả năng và nhận được những thù lao chính đáng với công sức mình bỏ ra hay chí ít được đánh giá và công nhận một cách công bằng và sống được nhờ nghiên cứu. Muốn làm được thì những người làm quản lý khoa học cần thay đổi về tư duy, việc phân bổ ngân sách cho nghiên cứu phải hợp lý, đúng người, đúng đề tài, tránh lãng phí, dàn trải, và theo kiểu đặt hàng, hợp đồng. Việc đầu tư cho các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, phòng thí nghiệm cũng cần được chú ý vì đây chính là phương tiện hỗ trợ quan trọng cho nghiên cứu. Việc mua bản quyền truy cập các tạp chí thẩm định quốc tế là rất quan trọng giúp giới nghiên cứu có thể tiếp cận được với thông tin khoa học, phương pháp nghiên cứu hiện đại của nhân loại. Chính sách hỗ trợ và việc chủ động tham gia các hội thảo quốc tế để giới nghiên cứu trong nước có cơ hội tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm và học thuật cũng quan trọng không kém.

Lời kết cho bài viết là ba yếu tố cơ bản có thể giúp người nghiên cứu có thể viết và đăng được bài báo khoa học trên tạp chí thẩm định quốc tế là tài, tiền và cơ chế hỗ trợ hợp lý. Những yếu tố chính cản trở giới nghiên cứu trong nước là thiếu cập nhật thông tin, phương pháp nghiên cứu khoa học của thế giới; yếu về ngoại ngữ; tài chính hạn chế; và môi trường, trang thiết bị cho nghiên cứu chưa lành mạnh và đầy đủ để có thể khuyến khích được những người có khả năng và tâm huyết toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học.

(Theo Báo VnExpress)

Các Nội Dung Liên Quan


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật