Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh?

Cập nhật 30/10/2012 - 09:43:33 AM (GMT+7)

Từ thời các triều đại Phong kiến ở thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19, giáo dục được rập khuôn theo Trung Hoa. Tới thời kỳ kháng chiến, chúng ta chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp. Sau cách mạng tháng 8, chúng ta chịu ảnh hưởng của giáo dục Liên Xô và Mỹ... tuy vay mượn nhưng ở các thời kỳ đó tương đối ổn định. Hơn 10 gần đây, chúng ta loay hoay tìm hướng đi mới, nhưng thật đáng tiếc là vẫn còn manh mún, chất lượng đào tạo thua kém nhiều nước láng giềng.

Trong thông báo của Hội nghị TƯ 6 nói về đổi mới giáo dục có đoạn viết: “Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu... để ban hành nghị quyết vào thời gian thích hợp”. Thời gian thích hợp là bao giờ và chúng ta có thể sớm đổi mới giáo dục để đáp ứng được kỳ vọng của toàn dân không? Xin góp ý kiến trả lời cho câu hỏi đó bằng việc điểm qua nền giáo dục của nước ta từ thế kỷ thứ 14 đến nay:

Nền giáo dục ca Vit Nam tthế k14 đến cui thế kỷ 19

Ở thời kỳ này, các triều đại phong kiến Đại Việt xây dựng Nhà nước theo mô hình Nhà nước Nho giáo của Trung Hoa. Từ cơ cấu luật pháp, hành chính đến giáo dục, văn chương và nghệ thuật đều rập khuôn theo mẫu Trung Hoa .

Trong giáo dục thì thực hành chế độ khoa cử, dùng chữ Hán và chữ Nho, đào tạo nhân tài phục vụ cho bộ máy hành chính của các Hoàng Triều và xây dựng những cổ lệ phong kiến địa phương theo Nho giáo. Mỗi khoa thi có 3 kỳ thi quan trọng nhất là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Tài liệu dùng để giảng dạy, học tập và thi cử gồm các tài liệu chính của Nho học Trung Hoa là: Tứ thư, Ngũ kinh và Sử Trung Hoa (tức Bắc sử ). Riêng thời Nguyễn (1802-1919) có thêm tài liệu do người Việt biên soạn là: Sơ học vấn tân, Âu học ngũ ngôn thi và Nam sử. Phương pháp giáo dục chủ yếu là dạy, học thuộc lòng.

Một lớp học thời xưa.

Nền giáo dục ca Vit Nam thời thuộc Pháp ( 1887-1945)

Tháng 8/1858, Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Năm 1887, Pháp đã hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam và đã củng cố xong bộ máy cai trị tại nước ta. Từ thập kỷ 1910 ở Việt Nam đã có cuộc cải cách giáo dục, xoá bỏ hoàn toàn Nho học đi cùng với chữ Hán, thay bằng phong trào tân học dùng chữ quốc ngữ. Từ đó tạo ra một tầng lớp trí thức mới xuất thân từ truyền thống Nho giáo nhưng được tiếp cận với Văn hoá Phương Tây.

Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã ban hành một hệ thống giáo dục dùng cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình giáo dục là của Pháp, có chút ít sửa đổi cho phù hợp với người Việt. Tiếng Pháp được dùng là ngôn ngữ chính trong trường học. Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Hệ thống giáo dục này có 3 bậc học: Tiểu học, trung học và đại học. Tại Hà Nội có Khu Đông Dương học xá.

Nền giáo dục ca nước Vit Nam Dân chCng hòa tsau cách mạng tháng 8/1945 đến 1985:

Kể từ sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập 2/9/1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chương trình giáo dục ở Việt Nam được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, cùng với chương trình Bình dân học vụ xoá nạn mù chữ, được thực hiện ở miền Bắc và miền Trung (trừ miền Nam, quân Pháp đã trở lại xâm lược lần thứ hai) cho đến ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chương trình giáo dục này được tiếp tục áp dụng trong các vùng kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến năm 1950. Từ năm 1950 đến năm 1956, tại các vùng kháng chiến và sau đó trên toàn miền Bắc đã được gỉải phóng, bậc tiểu học và bậc trung học được xếp xắp thành hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm gồm: 4 năm cấp 1(tiểu học), 3 năm cấp 2 (THCS) và 2 năm cấp 3 (THPT). Từ năm 1956, hệ thống giáo dục phổ thông được xếp xắp lại theo hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm của Liên Xô, gồm: 4 năm cấp 1 (tiểu học), 3 năm cấp 2 (THCS), 3 năm cấp 3 (THPT). Sau 10 năm học, học sinh phải thi tốt nghiệp để nhận bằng THPT.

Từ ngày 6/3/1956, tại Hà Nội đã mở 5 trường đại học, giảng dạy theo chương trình của Liên Xô gồm: Đại học Bách Khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm, Đại học tổng hợp (Văn và Khoa học), Đại học Y Dược. Bậc Tiến sĩ thì được gửi đi đào tạo tại Liên Xô, Đông Âu.

Từ năm 1986, trong điều kiện đất nước đã thống nhất và đổi tên là CHXHCNVN, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được áp dụng trong cả nước cho đến nay. Sau 12 năm học, học sinh phải dự kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT, sau đó dự kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học.

Trong các trường đại học, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất. Trong khoảng 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2012, số lượng trường đại học và cao đẳng đã phát triển đột biến: 307 trường đại học và cao đẳng đã được thành lập mới hoặc do được nâng cấp. Năm 2012, Việt Nam có khoảng 91 triệu dân, đã có 409 trường đại học và cao đẳng và đào tạo theo tín chỉ.

Nền giáo dục ở miền Nam (1946-1975):

Sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập 2/9/1945 và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pháp đã đem quân trở lại xâm lược lần thứ hai và trước tiên từ miền Nam. Vì vậy, chương trình giáo dục ở miền Nam vẫn áp dụng theo chương trình của Pháp, cho đến thập kỷ 1970. Trong thời kỳ này đã có chương trình giáo dục do người Việt khởi xướng. Trong thập kỷ 1970 (đến 30/4/1975), hệ thống giáo dục tại miền Nam áp dụng theo mô hình giáo dục của Hoa Kỳ.

Chương trình giáo dục phổ thông là 12 năm, gồm: 5 năm tiểu học, 4 năm trung học đệ nhất cấp, 3 năm trung học đệ nhị cấp. Sau 12 năm học, học sinh phải dự kỳ thi Tú tài để kết thúc chương trình trung học.

Các Trường (và Viện) đại học tại miền Nam đã có trước ngày 30/4/1975 đào tạo các lĩnh vực và các chuyên ngành sau: Y, Dược, Sư phạm, Nông nghiệp, Kinh tế và quản trị, kỹ thuật công nghệ, quốc gia hành chính. Các đại học đào tạo theo tín chỉ.

Lịch sử giáo dục qua các thời kỳ nói trên cho chúng ta 2 kinh nghiệm lớn:

1. Nền giáo dục của Việt Nam ở từng thời kỳ đều vay mượn nền giáo dục nước ngoài (của Trung Hoa phong kiến, Pháp, Liên Xô, Hoa Kỳ). Việt Nam chưa bao giờ tự thiết kế được cho mình một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.

2. Tuy vay mượn nước ngoài nhưng hệ thống giáo dục ở những thời kỳ đó lại tương đối ổn định. Còn trong khoảng hơn 10 năm gần đây, chúng ta đã rất cố gắng tự mày mò cải cách nền giáo dục nhưng kết cục lại đưa đến những dấu hiệu rất đáng buồn phiền: Hệ thống giáo dục trở thành chắp vá manh mún (dễ thấy nhất là tuy cùng có chức năng đào tạo nghề nhưng Tổng cục đào tạo và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chia cắt thành những cắt cứ riêng. Chất lượng đào tạo bậc đại học và đào tạo nghề dưới đại học ngày càng thua xa các nước láng giềng trong khu vực. Mò mẫm lúng túng đến mức có những quyết sách thụt lùi, như trong việc phong học hàm đã châm trước tiêu chuẩn ngoại ngữ cho chức danh Phó Giáo sư. Thầy cô giáo được ví như những sĩ quan tác chiến ngoài chiến trường thì ngày càng mất dần nhuệ khí, giảm sự gắn bó với nghề dạy học.

Những dấu hiệu đó chứng tỏ Bộ Giáo dục - Đào tạo nhiều năm qua chưa đủ khả năng tự thiết kế một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh để đổi mới.

(GDVN)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật