Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Nỗi buồn của một vị giáo sư

Cập nhật 23/10/2012 - 09:18:29 AM (GMT+7)

Trong một cuộc họp của bộ môn, vị giáo sư (GS) này đã bị chất vấn: “việc ông không có công bố quốc tế nào trong 5 năm gần đây và cũng không có bằng chứng cho thấy ông đang làm ít nhất một bài toán lớn trên thế giới là không thể chấp nhận được đối với chức vụ GS mà ông đang giữ.”

Ảnh minh họa

 Chuyện về một vị giáo sư ở Phần Lan

Chức vụ GS ở các ĐH Phần Lan được xem là “bất khả xâm phạm”. Các ĐH ở Phần Lan không có chức vụ PGS như ở các nước. Dưới GS là các trợ giảng cao cấp (senior assistants, thường trực) hay các docent (không thường trực), tương tự như chức vụ PGS ở các nước, và được bổ nhiệm có thời hạn.

Mặc dù chức vụ GS được bổ nhiệm không thời hạn, nhưng gần đây các ĐH ở Phần Lan đã “hoài nghi” về tính hiệu quả của việc này. Xin kể ra đây một trường hợp cụ thể mà người viết đã biết.

Giáo sư N. từng tốt nghiệp tiến sĩ từ một ĐH thuộc hàng tốp trên thế giới, từng là một học giả Fulbright cao cấp (senior Fulbright scholar) tại một ĐH ở Mỹ. Ông được bổ nhiệm chức vụ GS kiêm trưởng bộ môn tại một ĐH ở Phần Lan cách đây 13 năm.

Trước khi được bổ nhiệm, đương nhiên ông đã có những công trình khoa học có uy tín về cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên trong 5 năm gần đây, ông không có một công bố quốc tế nào.

Trong một cuộc họp của bộ môn, vị GS này đã bị chất vấn: “việc ông không có công bố quốc tế nào trong 5 năm gần đây và cũng không có bằng chứng cho thấy ông đang làm ít nhất một bài toán lớn trên thế giới là không thể chấp nhận được đối với chức vụ GS mà ông đang giữ.”

Việc một GS đại học bị chất vấn như thế có thể là một “cú sốc” ở một số ít nước trên thế giới, nhưng ở Phần Lan thì đó là chuyện bình thường. Các ĐH ở Phần Lan xem chức vụ GS được gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi, chứ không phải là một phẩm hàm như ở một số nơi.

Theo quan sát, người viết thấy vị GS này rất “sầu não” trong giai đoạn này. Ông ít vào trường hơn. Theo một GS khác trong hội đồng khoa học thì rất có thể vị GS này sẽ bị giảm lương cho đến khi ông ấy có công bố trở lại, hoặc chứng minh được ông ấy đang nghiên cứu những vấn đề lớn của thế giới. Trước tình hình căng thẳng như thế, vị GS này đã quyết định xin tạm vắng mặt một thời gian (on leave) để trở lại Mỹ làm nghiên cứu.

Trong thời gian gần đây, một số ĐH ở Phần Lan đã bắt đầu cảnh giác! Một số nơi đã từng bước áp dụng mô hình bổ nhiệm chức vụ GS của Mỹ. Chức vụ “GS trợ giảng” (assistant professor), PGS (associate professor) đã bắt đầu xuất hiện ở một số ĐH ở Phần Lan.

Vốn mà một đất nước có tiếng là có nền giáo dục xuất sắc trên thế giới, nhưng không vì thế mà các ĐH ở Phần Lan cố chấp hay tự phụ. Họ sẵn sàng thay đổi, khi cần thiết, để hoà mình vào dòng chảy chung của thế giới. Đây chắc là một bài học không thừa cho nhiều nước, nhất là các quốc gia đang phát triển.

Chế độ thường trực mãn đời của các GS ở Bỉ đã bị bãi bỏ

Chia sẻ về vấn đề này, GS Nguyễn Đăng Hưng, nguyên trưởng Khoa cơ học phá hủy thuộc Đại học Liège (Bỉ), người đã từng có 40 năm giảng dạy và nghiên cứu trên đất Bỉ, cho biết: “Bỉ là một nước khác ở Châu Âu cũng có một nền giáo dục đáng nể.

Các ĐH ở Bỉ cũng coi trọng việc nghiên cứu khoa học. Việc xuất bản các bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế là điều kiện không thể không có để có thể được bổ nhiệm lên các chức vị: PGS rồi GS thực thụ. Đây là những chức vị cao quý được người dân trọng nể, có lương bổng khá cao cho nên việc chọn lựa nhân sự được tổ chức một cách rất nghiêm túc và bảo đảm tính dân chủ...

Không vì vậy mà không có những trường hợp buồn. Một thiểu số GS sau vài năm được bổ nhiệm đã lợi dụng chức vụ có tính thường trực này, sao nhãng nghiên cứu khoa học, thậm chí còn từ chối đứng lớp, giao việc cho các trợ giảng thay thế mình.

Để khắc phục tiêu cực này, trường thường gởi thư văn cho giảng viên yêu cầu báo cáo chi tiết sinh hoạt trong năm. Các báo cáo sẽ đăng tải trên các trang của khoa để dư luận phê phán. Mỗi năm, sinh viên thực hiện chấm điểm các giáo sư rồi công bố trên các diễn đàn đại học. Gần đây, chế độ thường trực mãn đời của các giáo sư bị bãi bỏ”.

“Nếu tôi là vị GS đó, tôi không buồn”

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc), nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC),GS tại ĐH New South Wales (Úc), thì nếu ông là GS N. thì ông sẽ không buồn.

Cụ thể, GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trong hệ thống khoa bảng bậc đại học, GS là chức danh cao nhất, nên rất được xã hội trọng vọng. Đó cũng là cái “đỉnh” khoa bảng mà nhiều người muốn đạt đến. Nhưng khi đã đạt đỉnh thì không phải ai cũng giữ được vị trí đó.

Câu chuyện buồn của vị GS này thực ra là khá phổ biến trong ĐH phương Tây, và chắc cả ở Việt Nam nữa.

Năng suất khoa học của một cá nhân có khi phụ thuộc vào giai đoạn sự nghiệp. Sau khi xong tiến sĩ (được xem như là xong phần tập sự làm nghiên cứu), ứng viên phải phấn đấu để được đề bạt chức danh Assistant Professor, có lẽ tương đương với “PGS” trong hệ thống Việt Nam. Khi đạt được vị trí Assistant Professor, ứng viên còn phải nỗ lực nhiều để bước vào cấp Associate Professor. Nhưng từ Associate Professor lên Professor thì cả một quá trình rất gian nan. Rất nhiều người chỉ dừng ở vị trí Associate Professor cho đến ngày nghỉ hưu.

Để được đề bạt chức danh Professor, ứng viên phải có nỗ lực gấp 2, 3 lần so với giai đoạn đầu trong sự nghiệp khoa bảng. Không ít người chẳng nghiên cứu hay công bố gì sau khi đạt được chức danh Professor. Có nhiều nghiên cứu cho thấy đây là tình trạng chung, và trường hợp vị GS đề cập trong bài không phải là cá biệt.

Tại sao năng suất của Professor thường thấp hơn trước khi họ phấn đấu? Ở Úc, có thời chức danh này là vĩnh viễn, không ai có thể “giáng chức” họ (ngoại trừ đương sự phạm sai lầm nghiêm trọng như sách nhiễu tình dục). Có lẽ vì chức danh này ở mức “đỉnh” nên khi người ta đạt được thì không có động cơ để phấn đấu nữa. Cũng có thể họ “hết hơi”, sức sáng tạo không còn dồi dào như trước kia. Đó có thể là một lí do giải thích tại sao khi một cá nhân được đề bạt chức danh Professor thì năng suất khoa học bắt đầu suy giảm.

Một lí do thực tế khác mà đôi phần là sau khi đề bạt họ quá bận. Tôi có thể lấy cá nhân mình ra làm ví dụ. Thật ra, ngay từ lúc ở chức Associate Professor, ứng viên đã rất bận với việc hành chính và quản lí. Thêm vào đó là những việc có thể gọi là “vác ngà voi đi làm chuyện thiên hạ” (hiểu theo nghĩa làm việc không có lương bổng). Đó là phục vụ trong các hội đoàn chuyên ngành, các tập san khoa học. Khi đã đạt chức Professor, nhiệm vụ này càng nặng nề hơn. Thêm vào đó và quan trọng hơn là xin tài trợ. Trong hệ thống khoa học hiện đại,Professor như là một giám đốc một doanh nghiệp khoa học, tức phải lo quản lí nhân sự, quản lí tài chính, quản lí dự án, xin tài trợ, tranh thủ và vận động cho “thương hiệu” trong ngành... Những “việc không tên” này tốn rất nhiều thời gian, và là một yếu tố cho sự suy giảm năng suất khoa học của GS.

Nhưng tất cả những yếu tố đó không đủ thuyết phục các hiệu trưởng ĐH. Theo họ, đã là GS thì phải có công trình nghiên cứu và có công bố quốc tế thường xuyên, vì đó là tiêu chuẩn số 1 cho chức danh GS. Do đó, trong 3 thập niên qua đã có một cuộc “cách mạng” trong việc đề bạt các chức danh khoa bảng.

Hệ quả là tất cả các GS phải được đánh giá thường kì (ví dụ như mỗi 5 năm), và chức danh GS không phải là vĩnh viễn. Chẳng hạn như cá nhân tôi, cứ mỗi 5 năm, tôi lại phải trả lời những câu hỏi của hội đồng khoa bảng (academic board) liên quan đến năng suất của tôi trong vòng 5 năm qua, và đặc biệt tự tôi phải giải thích tại sao tôi có quyền giữ chức danh đó trong 5 năm tới.

Công bằng mà nói, việc tái đánh giá cũng hợp lí. Trong khoa học, đào tạo và nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối rất quan trọng, vì không có thế hệ tiếp nối thì khoa học đi vào ngõ cụt. Do đó, nếu một GS không còn khả năng nghiên cứu và không có lí do tốt để giải thích, thì nên nhường cho thế hệ kế tiếp.

Dĩ nhiên, GS là một chức danh quan trọng và họ là một “tài sản” quốc gia, cho nên nhường cho thế hệ kế tiếp không có nghĩa là họ sẽ “khuất bóng”, mà nên đóng vai trò cố vấn, giúp đỡ, và hướng dẫn. Do đó, nếu tôi là vị GS đó, tôi không buồn; ngược lại, tôi rất vui vẻ nhường sân chơi khoa học cho thế hệ sau.”

TS. Lê Văn Út


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật