Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Nên tổ chức xét tuyển vào ĐH, CĐ

Cập nhật 24/10/2011 - 09:58:12 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập phía Nam kiến nghị cải tiến thi “3 chung” xuống còn “2 chung”, trong khi đó nhiều lãnh đạo trường ngoài công lập phía Bắc lại đề nghị nên thực hiện xét tuyển vào ĐH,CĐ. Theo đó, nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc.

Trước tình hình thi, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đang gặp rất nhiều khó khăn, cách thi “ba chung” ngày càng cản trở hoạt động đào tạo của các trường ĐH, CĐ kể cả công lập và ngoài công lập; Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) Việt Nam tổ chức 3 cuộc hội thảo tại 3 miền, nhằm lấy ý kiến các trường và trên cơ sở đó có kiến nghị với Bộ GD-ĐT đổi mới công tác thi và tuyển sinh theo tinh thần Đại hội XI của Đảng “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”.

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ NCL đã tổ chức hội nghị Bàn về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị không nên tổ chức thi mà nên xét tuyển vào ĐH, CĐ.

“3 chung” và “1 riêng”

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều thừa nhận “3 chung” là một bước đổi mới đã mang lại sự ổn định tương đối trong thi tuyển sinh. Cũng chính vì thế khi có chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các cơ sở đào tạo thì phần lớn lãnh đạo nhiều trường đều cho rằng cần cải tiến “3 chung” chứ không bỏ “3 chung”.

PGS.TS Lê Đức Ngọc đề xuất phương án tuyển sinh theo Đề án “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT” do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT đưa ra từ năm 2008 và được hầu hết các đại biểu tán thành.

PGS.TS Ngọc đưa ra phương án thi “3 chung” và “1 riêng” cho cuộc thi “Đánh giá trình độ học vấn phổ thông trung học” để xét tốt nghiệp THPT và để làm chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT, cụ thể như sau:

Chung đề, vì là cuộc thi đánh giá trình độ học vấn nên phải thi nhiều môn, nhưng cần ghép lại thành 5 bài thi như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sử - Địa (nhân hệ số 2); Lý - Hóa - Sinh (nhân hệ số 3). Định hướng 5 bài thi này hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục tích hợp trong giáo dục phổ thông hiện nay trên thế giới : tích hợp Lý - Hóa - Sinh thành môn khoa học và Sử - Địa thành môn Xã hội.

Chung đợt: Mỗi đợt thi 3 ngày gồm 6 buổi (1 buổi làm thủ tục và 5 buổi làm 5 bài thi). Mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm riêng, chấm bằng máy. Công bố điểm đến từng thí sinh và công bố chung trên mạng.

Chung điểm sàn tốt nghiệp THPT: Từ 25 điểm trở lên là tốt nghiệp (ngoài ra cần có chính sách cộng điểm theo vùng miền và diện chính sách).

Một riêng cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT: Căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kết quả các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi tuyển năng khiếu tùy thuộc theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn để tuyển sinh chung hay cho từng ngành của cơ sở đào tạo.

Với phương án cải tiến trên, theo PGS.TS Lê Đức Ngọc sẽ đạt được các mục tiêu: Đảm bảo một thang đo trình độ học vấn THPT quốc gia tối thiểu có tính đến yếu tố vùng miền, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục THPT, đảm bảo không có xáo trộn về phân ban; Đảm bảo công bằng về cơ hội, khách quan về đánh giá trình độ học vấn trong tuyển chọn cho giáo dục đào tạo sau trung học; đảm bảo phù hợp với bối cảnh hiện nay, giảm tiêu cực …
 
Sẽ tiến tới sát nhập 2 kỳ thi vào 1.
 
 
Nên tổ chức xét tuyển vào ĐH, CĐ

Tán thành với ý kiến của PGS.TS Lê Đức Ngọc, ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thành Tây, cho rằng: “Khi thực hiện như vậy, các trường phải chấp nhận cạnh tranh. Tuy nhiên, để cạnh tranh thì phải có môi trường. Bộ GD-ĐT nên đưa ra cơ chế để các trường cạnh tranh. Ai đào tạo tốt, có tiếng thì thu hút được thí sinh. Các trường chấp nhận cuộc chơi để đi lên bằng đôi chân của mình”.

GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho hay: “3 chung” đã tiết kiệm rất nhiều cho nhà nước  nhưng hiện nay chúng ta không tin nhau, cấp trên không tin cấp dưới. Năm nay, nhiều trường ĐH công lập và dân lập thiếu chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển, Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình”.

“Nhà nước chấp nhận cho học sinh phổ thông nước ngoài được xét tuyển vào ĐH thì tại sao không chấp nhận lấy điểm thi tốt nghiệp phổ thông để xét vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên nếu thực hiện cần đặt ra tiêu chuẩn để học sinh phổ thông phấn đấu đạt tiêu chuẩn đó sẽ được xét tuyển vào đại học. Bên cạnh đó, các trường cũng đặt ra chuẩn để xét thí sinh vào học. Do vậy, không nên trì hoãn việc cải tiến thi cử, không chờ thời cơ nữa nên bỏ thi đại học, chỉ 1 kỳ thi tốt nghiệp để xét vào đại học” - ông Nghị đề nghị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đưa ra đề nghị:  “Cần tổ chức kỳ thi phổ thông nghiêm túc để lấy chuẩn xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Trở lại với thực trạng tuyển sinh năm nay, GS.TS Hoàng Trọng Yêm, hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho hay: “Nên thay đổi phương thức thi 3 chung” vì nếu cứ để tình trạng tuyển sinh thiếu nguồn tuyển như thế này nhiều trường NCL sẽ lỗ vốn, dẫn đến lục đục và phải giải thể. Cần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng đầu vào ĐH”.

Nhà giáo Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ ASEAN, đưa ra vấn đề vì sao chất lượng đầu vào ĐH, CĐ thấp là do bậc phổ thông hiện nay chưa có định hướng nghề cho học sinh. Nếu lấy kết quả phổ thông để xét vào ĐH,CĐ thì nên tính yếu tố vùng miền. Bộ nên bỏ cơ chế xin - cho trong việc giao chỉ tiêu, mở ngành nghề nên để các trường tự quyết dựa trên năng lực của mình. Bộ chỉ nên thực hiện kiểm tra, thanh tra và giám sát điều kiện mở ngành, chỉ tiêu trên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường.

Về việc thi “3 chung”, ông Nguyễn Xuân Phong, phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng: “Thi “3 chung” đều có mặt được và không được. Tuy nhiên, nếu thực hiện tự chủ thì việc tuyển sinh đầu vào không phải là việc của Bộ mà đó là việc của các trường là trách nhiệm của các trường. Nếu không thống nhất cách đó thì điểm sàn đưa ra bàn cao hay thấp không có căn cứ. Cái quan trọng có thống nhất được là đầu vào của các trường hay không.  Nếu được  như vậy thì “3 chung” hay không có “3 chung” không quan trọng nữa. Khi được tự chủ, các trường được quyền lựa chọn cách thi tuyển, dù nhà nước vẫn tổ chức 3 chung nhưng đó không phải là kỳ thi bắt buộc”.

Thận trọng hơn trong việc cải tiến “3 chung”, ông Phan Trọng Phức, hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho rằng: “Thay đổi “3 chung” cần có lộ trình thực hiện, phải có bàn thảo công phu. Điểm thi thấp hiện nay là do cấu trúc đề thi có vấn đề.  Bộ cần cấu trúc lại đề thi, biên soạn đề thi tốt hơn nữa vì năm nào điểm sàn cũng 13”.

(Theo Dân Trí)

 


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật