Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chuyển hai ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy trước đây thành hai chuyên ngành thuộc ngành Khoa học hàng hải.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng đào tạo cho biết: “Dù là ngành như trước kia hay đổi thành chuyên ngành của một ngành khác thì sự thay đổi cũng không ảnh hưởng tới người học. Bởi lẽ, nội dung đào tạo, khối thi, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn giữ nguyên như cũ”.
Trong khi đó, trường ĐH Luật TP.HCM chuyển ngành Quản trị - Luật thành ngành Quản trị kinh doanh. Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Việc thay đổi tên ngành có tác động ít nhiều đến nội dung đào tạo, cũng như kiến thức người học sau khi ra trường. Ví dụ, trước đây, trường đào tạo ngành Quản trị - Luật là song ngành trong thời gian 5 năm, tức 50% kiến thức về quản trị kinh doanh và 50% kiến thức về luật. Nhưng nay đổi thành ngành Quản trị kinh doanh, thời gian học sẽ rút xuống bốn năm, trong đó 60 - 70% kiến thức giống với chương trình khung của Bộ, phần còn lại sẽ được xây dựng theo kiến thức luật”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, băn khoăn: “Có khả năng trường phải nâng cấp từ chuyên ngành thành ngành ở một số lĩnh vực đào tạo”.
Bà Bình cũng tâm tư: “Khi thay đổi tên ngành, trường cũng sẽ xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp. Tuy nhiên, Bộ ban hành danh mục ngành nhưng nhiều nhóm ngành lại chưa có chương trình khung, như Công nghệ thông tin, Công nghệ sau thu hoạch, Quản trị bệnh viện… Do vậy, trong quá trình xây dựng lại chương trình theo tên gọi mới, trường phải bám vào khung của chương trình cũ”.
Hàng loạt thay đổi
Đến nay, nhiều trường cho biết sẽ có điều chỉnh tên ngành nghề đào tạo. Chẳng hạn tại trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), có sự thay đổi một số ngành như sau: ngành Kinh tế học và Kinh tế và quản lý công trước đây sẽ gộp chung lại thành hai chuyên ngành trong ngành Kinh tế. Luật dân sự sẽ đổi tên thành Luật. Ba ngành Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế, Luật tài chính - ngân hàng - chứng khoán sẽ gộp chung thành 3 chuyên ngành trong ngành Luật kinh tế.
Trường ĐH Sài Gòn sẽ điều chỉnh tên ngành Thông tin - Thư viện trước đây thành Khoa học thư viện. Ngành Âm nhạc (gồm ba chuyên ngành: Thanh nhạc, Lý luận âm nhạc, Chỉ huy hợp xướng) trước đây cũng chuyển thành Thanh nhạc. Tiếng Anh thành Ngôn ngữ Anh. Ở bậc CĐ, ngành Khoa học môi trường đổi thành Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM sẽ điều chỉnh tên ngành Phát hành xuất bản phẩm thành Kinh doanh xuất bản phẩm. Tương tự, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) cũng điều chỉnh tên ngành Nuôi trồng thủy sản thành Quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, Kỹ thuật máy tính thành ngành Khoa học máy tính, Công nghệ viễn thông thành Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện tử thành ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông.
Tiếp xúc với PV, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ khẳng định sự điều chỉnh này nhìn chung không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.
Một số nhóm ngành theo danh mục ngành đào tạo mới - Nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài sẽ gồm các ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quốc tế học, Đông Phương học, Đông Nam Á học, Khu vực Thái Bình Dương học... |
(Theo Thanh niên)