Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Dạy liên miên, “quên” nghiên cứu

Cập nhật 10/01/2011 - 09:12:58 AM (GMT+7)
Việc công bố nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH chưa được chú trọng đúng mức, đội ngũ giảng viên “mặn” giảng dạy hơn là nghiên cứu khoa học.
Theo thông lệ của các trường ĐH trên thế giới, ngoài chức năng giảng dạy, trường ĐH còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật để tìm tòi, sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Nhưng ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học không được phổ biến ở ĐH nên các trường không được xem là trung tâm khoa học kỹ thuật.
 
Nặng lý thuyết, học thuật; ít tính ứng dụng
 
TS Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý giáo dục, cho biết trong quan niệm của nhiều giảng viên ĐH hiện nay, nghiên cứu khoa học chưa được coi là nhiệm vụ thiết thân hay phần việc quan trọng trong công tác của họ.
 
Bằng chứng là ngay ở ĐH lớn nhất, nhì nước ta đang xây dựng thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội mấy năm gần đây vẫn phải hoàn lại từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng kinh phí nghiên cứu khoa học vì không giải ngân hết được.
 
Nhiều cán bộ khoa học trong trường ĐH cho rằng nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất khiến cho các giảng viên chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu khoa học là cơ chế quản lý hiện nay của chúng ta.
 
Nhiều nhà khoa học giỏi chuyên môn nhưng nghĩ đến đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học là đã ngán bởi các khâu thủ tục nặng nề, đặc biệt là vấn đề giải ngân quá phức tạp và cứng nhắc.
 
TS Trần Hoàng Hảo và Th.S Huỳnh Đức Thiện, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, cũng thừa nhận việc giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học ở trường ĐH này còn khá nhiều hạn chế, phần lớn các công trình nghiên cứu vẫn tập trung vào đội ngũ các nhà khoa học có uy tín lớn.
 
Th.S Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Thí nghiệm tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM:
Lương thấp, thiếu người
Có lần sau khi đăng ký đề tài, tôi nhận được kinh phí và mua một chiếc màn hình máy vi tính nhằm phục vụ việc nghiên cứu. Tuy nhiên, do kinh phí chỉ đủ để mua màn hình loại cũ có kích thước cồng kềnh và chất lượng không tốt nên tôi chủ động bỏ thêm tiền túi để bù vào mua một màn hình loại tốt hơn để làm việc. Tưởng rằng không có vấn đề gì, nào ngờ việc đó gây cho tôi rắc rối lớn. Dù số tiền chênh lệch không lớn nhưng tôi đã phải sửa tới sửa lui, làm lại hồ sơ, hóa đơn, chứng từ các loại nhiều lần và tốn rất nhiều thời gian để giải trình việc này. Chắc chắn có nhiều nhà khoa học khác cũng từng gặp phải trường hợp tương tự như của tôi.
Nguyên nhân thứ hai của chuyện mê dạy hơn nghiên cứu, chính là thu nhập. Do mức lương quá thấp nên nhiều cán bộ khoa học phải làm thêm một số việc khác để kiếm sống. Người nỗ lực “chạy sô” giảng dạy, người làm thêm các dịch vụ khác hoặc làm việc không liên quan đến chuyên môn để có thêm thu nhập. Bản thân tôi dù làm việc nhiều năm nhưng đến nay lương vẫn chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng. Thứ ba là do thiếu giảng viên nên một người phải “gồng” lên, đứng nhiều lớp hơn, lịch giảng dạy dày đặc khiến họ quá mệt mỏi, quỹ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học cũng bị bóp lại.
Thanh Lê ghi
Các công trình, nếu có, chỉ tập trung ở lý thuyết, học thuật; các công trình mang tính ứng dụng còn ít. Hiện tượng này đã được giải nghĩa với nhiều lý do về động cơ.
 
Giảng dạy - nguồn thu nhập chính
 
Động cơ này, theo ông Lê Minh Tiến, Trường ĐH Mở TPHCM, là do nguồn thu nhập chính của các giảng viên ĐH hiện nay đến từ việc giảng dạy. Ông Nguyễn Quốc Vọng, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, đồng thời cũng là giảng viên của ĐH RMIT, Úc, cho biết phần lớn giảng viên đều dạy rất nhiều giờ, vượt quá 200%-300% số giờ quy định là bình thường.
 
Do tỉ lệ giảng viên/sinh viên hiện nay ở nước ta rất cao (1/30) nên thật khó để giảng viên dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là còn chưa kể đến quy định về giờ chuẩn mà mỗi giảng viên phải hoàn thành trong một năm học cũng khiến giảng viên vắt giò lên cổ để dạy.
 
Theo quy định hiện nay, GS và PGS phải dạy đến 380 tiết/năm, giảng viên chính 360 tiết/năm và giảng viên 280 tiết/năm. Trong khi đó, số tiết học của mỗi môn học ở ĐH thường chỉ từ 30-45 tiết/môn, đặc biệt khi chuyển sang đào tạo tín chỉ thì số tiết dạy lại giảm xuống. Vì vậy, muốn hoàn thành nghĩa vụ, các giảng viên phải dạy rất nhiều môn, không còn thời gian cho nghiên cứu.
 
PGS Bùi Văn Miên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, phân tích thêm việc các trường ĐH, đặc biệt là ĐH dân lập, trả kinh phí cao hơn làm nghiên cứu nên giảng viên “dại gì không đi dạy”.
 
Trường ĐH Nông Lâm có định mức chuẩn là 25.000 đồng/giờ và nếu có học hàm, học vị thì cao nhất cũng chỉ 50.000 đồng/giờ. Trong khi đó, trường dân lập trả 80.000 -120.000 đồng/giờ.
 
Mặt khác, giảng viên còn phải thực hiện giờ nghĩa vụ, xong giờ nghĩa vụ thì đi dạy thêm khỏe hơn, không phải lo thủ tục thanh quyết toán, khỏi phải lo mượn phòng thí nghiệm, thuê người thực hiện.
 

Vì không có động lực tài chính nên việc các giảng viên “quên” nghiên cứu mà chỉ tập trung vào giảng dạy là điều tất yếu. Gần đây, một vài trường ĐH treo giải thưởng cho những nghiên cứu công bố thế giới, nhưng vì đây là nghiên cứu của một tập thể nên khi nhận được tiền thưởng, chia ra cho nhóm cũng không bằng thu nhập khi dạy thêm.

(Theo NLD)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật