Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Tuyển sinh 2015: Các trường ĐH,CĐ đã bộc lộ rõ uy tín trước xã hội

Cập nhật 19/10/2015 - 08:46:55 AM (GMT+7)

Tuyển sinh 2015 đã sắp đến hồi kết, tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường ĐH,CĐ vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu và rơi vào tình trạng “đói” thí sinh, trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT nguồn tuyển vẫn nhiều. Vậy, nguyên nhân do đâu? Kỳ thi 2016, Bộ GD-ĐT sẽ cải tiến thi như thế nào?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

Không tuyển đủ chỉ tiêu – vấn đề thường gặp ở 1 số trường

Thưa bà, chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc tuyển sinh 2015 nhưng vẫn còn khoảng vài chục trường ĐH,CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu. Bà cho biết cụ thể kết quả tuyển sinh năm nay ra sao và đâu là nguyên nhân làm cho nhiều trường ĐH,CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu?

Trước hết, cũng cần nhắc lại là từ năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ không còn là chỉ tiêu kế hoạch được nhà nước giao, mà là chỉ tiêu tối đa các trường được phép tuyển, do trường tự xác định dựa trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo do Bộ GDĐT quy định. Vì vậy, việc không tuyển đủ chỉ tiêu tối đa đã xác định cũng là vấn đề thường gặp ở một số trường từ năm 2011 đến nay.

Sau hai đợt xét tuyển, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPTQG để xét tuyển và 194 trường có đề án tự chủ tuyển sinh (trong đó, nhiều trường kết hợp giữa xét tuyển theo kết quả thi THPTQG với xét tuyển theo học bạ), số lượng thí sinh trúng tuyển và số trường tuyển được đủ chỉ tiêu nhiều hơn so với năm trước. Cụ thể đã có 554.953 thí sinh được xét trúng tuyển, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra; trong đó, hệ ĐH tuyển được 415.870 đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu.

Con số này nhiều hơn so với số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 ngàn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu; trong đó có 348 ngàn sinh viên ĐH, đạt 94% và 157 ngàn sinh viên CĐ, đạt 58,1%).

Điều đó cho thấy việc tổ chức kỳ thi THPTQG để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ĐKXT và các trường trong việc tuyển sinh.

Điểm trúng tuyển của các trường cũng thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. Trong tất cả các nhóm trường ĐH và CĐ, dù điểm tuyển cao, trung bình hay thấp thì đều có một số trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1. Một số trường ĐH ngoài công lập có uy tín cũng đã tuyển được tỷ lệ khá cao ngay đợt 1.

Nếu xét theo ngành thì khối ngành Công an, Quân đội, Y dược, Luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành Kỹ thuật, Kinh tế, Sư phạm và Tài chính - Ngân hàng. Nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư và công nghệ khó tuyển hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển này vẫn có những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… kết quả tuyển được cao.

Như vậy, kết quả tuyển sinh nêu trên tốt hơn năm trước, đã phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường và xu hướng chọn ngành. Đây chính là nguyên nhân mà một số trường tuyển sinh được với tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua vẫn chưa đánh giá được đúng năng lực của học sinh và chưa đảm bảo độ tin cậy. Ý kiến của bà như thế nào?

Công tác ra đề thi trong Kỳ thi THPTQG đã tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh; tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời.

Điều đó đã dẫn đến kết quả phổ điểm của các môn thi có sự phân hoá rõ nét. Tính trong tất cả các môn thi, đa số bài thi ở mức điểm trung bình, những bài thi điểm thấp hơn và điểm cao hơn ít dần; số học sinh đạt điểm 10 và điểm cao năm nay ít hơn so với các năm trước.

Cụ thể, mức điểm từ 4,25 đến 7,0 là nhiều nhất, có 2.333.214 bài thi, chiếm 53,83%; mức điểm từ 8,25 đến 10 điểm có 152.176 bài thi, chiếm 3,51%; mức điểm từ 0,0 đến 1,0 có khoảng 40.000 bài thi, chiếm 0,93%.

Như vậy, có thể thấy điểm thi phản ánh được tương quan năng lực của các thí sinh, đề thi có độ phân hoá cao và công tác coi thi, chấm thi trung thực, tin cậy.

Về kết quả tốt nghiệp, trên phạm vi cả nước, có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71%; trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục THPT là 93,57%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên là 69,92%.

Nếu tính theo vùng thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất là vùng Đồng bằng Sông Hồng đạt 95,68% và thấp nhất là vùng Nam trung bộ và Tây Nguyên đạt tỷ lệ 86,8%. Nếu tính theo loại cụm thi thì cụm thi do trường đại học chủ trì đạt 94,9 % và cụm thi do tỉnh chủ trì đạt 84,91%.

Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn giáo dục thường xuyên; các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Tỷ lệ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn so với miền núi. Tỷ lệ tốt nghiệp ở cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn ở cụm thi tỉnh do sở GDĐT chủ trì.

Như vậy, có thể đánh giá kết quả thi năm 2015 đảm bảo tính khách quan, công bằng, có độ tin cậy cao.

Năm 2016: sẽ điều chỉnh mức điểm ưu tiên giữa các vùng

Nhiều ý kiến xã hội cho rằng Kỳ thi chưa tạo được công bằng giữa học sinh vùng khó khăn và học sinh thành phố?

Đúng là điều kiện học tập, thi cử giữa học sinh vùng khó khăn và học sinh thành phố chưa được công bằng. Vì vậy, việc tổ chức thi theo cụm ở tất cả các vùng và cho thí sinh ĐKXT vào ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi là sự đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thay cho việc phải tới thi ở 6 thành phố lớn ở các vùng như những năm trước, nay thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận nên giảm tốn kém cho thí sinh và gia đình. Cùng với việc đổi mới cách ra đề thi đã giúp học sinh không nhất thiết phải "luyện thi" mới làm bài được, tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh ở các vùng, miền trên toàn quốc.

Nếu như trước đây, đa số thí sinh ở các vùng khó khăn có tâm lý lo lắng, không dám ĐKDT vào các trường ĐH tốp trên thì việc "thi trước, tuyển sau" năm nay đã góp phần tạo thêm sự tự tin cho những thí sinh học tốt ở các vùng khó khăn để các em có cơ hội được vào học ở những trường tốt, phù hợp với mức điểm đã đạt được.

Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ cũng cạnh tranh lành mạnh để thu hút các học sinh giỏi. Đây chính là tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các vùng miền.

Kì thi THPTQG 2015 tuy đã đạt được những thành công là cơ bản nhưng vẫn còn xảy ra bất cập về phương diện kỹ thuật ở khâu xét tuyển sinh đợt 1 gây căng thẳng cho phụ huynh và thí sinh. Bộ GD-ĐT rút ra kinh nghiệm gì để chuẩn bị cho kỳ thi 2016?

Sau đợt 1, một số vấn đề kỹ thuật đã được điều chỉnh kịp thời (thời gian ĐKXT ngắn hơn, không còn việc rút hồ sơ và ĐKXT lại).

Trong những năm sau, thời gian, số ngành, số trường ĐKXT; mức điểm ưu tiên trong xét tuyển… cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hợp lý hơn.

Một số trường, đặc biệt là các trường tốp trên cần rút kinh nghiệm, xác định điều kiện nhận hồ sơ ĐKXT phù hợp với mức điểm trúng tuyển của trường mình để giảm thiểu tình trạng quá nhiều thí sinh nộp và rút ĐKXT tập trung vào một số trường tốp trên như năm nay. Chủ trương phân tầng, xếp hạng trong những năm tới cũng yêu cầu các trường mạnh dạn hơn trong việc xây dựng và tự khẳng định đẳng cấp của mình.

Để chuẩn bị tốt kỳ thi năm 2016, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện kỳ thi ngay từ tuyến cơ sở để các thí sinh, gia đình, nhà trường hiểu đúng, thực hiện tốt các quy định về tuyển sinh. Sẽ chuẩn bị tốt hơn về điều kiện hạ tầng để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ĐKDT và ĐKXT.

Từ năm sau, những kinh nghiệm, cách thức tổ chức xét tuyển đã khá định hình, ngành giáo dục và đào tạo cũng sẽ tăng cường hơn nữa quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Theo Báo Dân Trí

Hồng Hạnh (thực hiện)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật