Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Băn khoăn hệ cao đẳng đổi chủ

Cập nhật 06/10/2014 - 09:24:31 AM (GMT+7)

Hệ thống giáo dục phải có sự thống nhất, tuy nhiên, việc các trường CĐ, TCCN sẽ sáp nhập vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tách khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo gây nên nhiều băn khoăn, lo lắng.

Đầu tháng 9/2014, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, tại phiên họp thứ nhất của ủy ban này. Một trong những nội dung trong thông báo là hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp, CĐ, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Yếu lại còn phân tán

“Tôi đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua lại một trường CĐ chuyên nghiệp. Nay có thông tin hệ thống trường CĐ, TCCN sáp nhập cùng hệ thống trường nghề để hình thành hệ thống giáo dục do Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Nếu quả thật vậy thì lúc đó trường của tôi cũng chỉ như trường nghề và tôi sẽ mất trắng một khoản tiền” - chủ đầu tư một trường CĐ ở TPHCM bày tỏ. Lo lắng của chủ đầu tư trên xuất phát từ việc thành lập mới hay mua trường CĐ chuyên nghiệp luôn khó khăn và tốn kém hơn việc thành lập trường CĐ nghề.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục cần có sự thống nhất, một đầu mối quản lý chứ không thể tồn tại 2 hệ thống riêng biệt do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ LĐ-TB-XH quản lý như lâu nay. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực nước ta vốn đã yếu lại còn phân tán, chia năm xẻ bảy. Sự phân tán làm cho hệ thống giáo dục rời rạc, không khai thác được thế mạnh của nhau ở nhiều phương diện.

 
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hệ thống giáo dục nước ta hiện không rõ ràng và việc quản lý mang nặng tính chất phân chia. Cả Bộ GD-ĐT lẫn Bộ LĐ-TB-XH đều có hệ thống trường riêng, mạnh ai nấy làm, thiếu sự gắn kết, không công nhận nhau nên không liên thông được. Nhìn ra những nước có nền giáo dục phát triển thì hệ thống giáo dục nước ta không giống ai.

Phải sửa 3 luật

PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng vấn đề đào tạo, phát triển nhân lực nên quy về một mối. Điều này sẽ tạo sự thống nhất chung về chế độ, chính sách và công nhận chất lượng. Ông Tống đề xuất việc đào tạo cần giao hẳn cho Bộ GD-ĐT quản lý chứ không nên phân chia bậc giáo dục nghề nghiệp (sơ, trung cấp và CĐ) về Bộ LĐ-TB-XH quản lý.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, chỉ có thể nhập các trường TCCN về hệ thống trường nghề do Bộ LĐ-TB-XH quản lý chứ không thể chuyển các trường CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý về Bộ LĐ-TB-XH được bởi Luật Giáo dục quy định bậc đào tạo ĐH bao gồm cả đào tạo cử nhân CĐ và cử nhân ĐH.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng chưa thể hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp độ (sơ cấp, trung cấp, CĐ) và giao Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được vì đụng vào vấn đề pháp lý rất lớn. “Nếu chủ trương hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp tạo được sự đồng thuận lớn thì cùng lúc phải sửa đổi 3 luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và Luật Dạy nghề. Điều đó sớm nhất cũng mất 2 năm” - ông Hải cho biết. 

Phải chấm dứt đào tạo tràn lan

Ông Hải cho rằng xu thế phân luồng là đúng nhưng nếu làm triệt để thì phải xác định lại chỉ tiêu ĐH chứ không thể duy trì tình trạng đào tạo ĐH tràn lan, thiếu cân đối về ngành nghề như hiện nay. Bên cạnh đó, cần xác định lại chuẩn đào tạo của các bậc ĐH, CĐ, TCCN. Đặc biệt, phải chuẩn hóa lại các chức danh ở cơ quan nhà nước vốn rất chuộng bằng cấp.

 (Theo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật