“Phải làm rõ tiến độ của từng bộ phận trong đổi mới giáo dục để sau này còn kiểm điểm được trách nhiệm cá nhân".
Kiến nghị trên của TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội khoa học Tâm lí giáo dục Hà Nội được gửi trực tiếp tới Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Nhiều kiến nghị cấp thiết
PGS. Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam tổng kết lại các ý kiến góp ý từ các chuyên gia, các nhà giáo dục hàng đầu trong vấn đề thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Theo đó, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, giúp ngành giáo dục cũng như cơ quan chức năng có được lộ trình thực thiện tốt hơn, thuận lợi hơn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
PGS. Trần Xuân Nhĩ kiến nghị nên rút ngắn thời gian học phổ thông còn 11 năm.
Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, vì sao cần có quy trình? Đơn giản chúng ta nghĩ làm nhà thì trước hết có ý tưởng, có bản vẽ, có móng, làm nhà…, liên hệ tới hệ thống giáo dục hiện nay là rất quan trọng, nhiều ý kiến đánh giá hệ thống giáo dục chúng ta chỉ nên 11 năm, cũng có ý kiến là 12 năm, vì cho cùng tâm lí của trẻ con bây giờ hơn xưa nhiều.
Vậy 11 năm có làm được không, làm được thì bao giờ làm và thiết kế 3 năm học như thế nào? Vấn đề dạy ngoại ngữ cho học sinh, cần phải làm càng sớm càng tốt. Ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng Singapore đã khẳng định, nước ông phát triển vì cho nhân dân học tiếng Anh. Đối với ta, điều này càng cấp thiết vì chúng ta đã ra nhập WTO từ năm 2006, bước đầu tiên hãy dạy tiếng Anh từ mầm non, bắt đầu từ lớp 6.
Bàn về phân luồng, các học giả đề nghị phân thành 3 luồng: Định hướng cho khoảng một nửa số lượng học sinh, số còn lại đi theo con đường học nghề. Nếu giảm đi 1 năm học phổ thông sẽ giảm đi một số tiền ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng. Học sinh cả nước ra trường sớm 1 năm đóng góp cho xã hội bình quân 1 triệu ngày công, đóng góp cho xã hội khoảng 30 nghìn tỉ.
Trong 2 ngày thảo luận, các chuyên gia phân tích, các bậc học chúng ta hiện nay có lộn xộn và nên ghép trung học nghề cùng cao đẳng nghề làm một. Để phát triển hệ thống này Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng chuyển sang giáo dục mở. Phá bỏ rào cản hiện nay để người học có thể tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục cần đánh giá lại học sinh. PGS. Nhĩ truyền lời cho hay, để đào tạo con người mới phải đánh giá quà trình học với thời điểm được đánh giá. Vấn đề nổi cộm hiện nay trong năm và mất nhiều thời gian nhất là thi tuyển sinh. Phần lớn ý kiến bày tỏ sự phê phán kì thi này, vì trong một mùa hè có tới 2 kì thi, đó là điều tốn kém và thống nhất kiến nghị tổ chức 1 kì thi, dựa vào kết quả đó để trao tự chủ cho các trường.
Chế độ đối với giáo viên cũng khiến nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, vì đây là vấn đề cốt lõi, nếu không làm được thì không thực hiện đổi mới có kết quả. Các ý kiến cho rằng, bộ phải quan tâm đến các khoa sư phạm, trường sư phạm. Phải có chính sách để học sinh vào sư phạm. Thầy giỏi thì trò mới giỏi. Vào sư phạm phải được ở nội trú, được huấn luyện giám sát như quân đội để đi vào nề nếp.
Thay đổi cách thi, cách đánh giá học sinh. Ảnh Vietnamnet
Phải có chế độ để tuyển người giỏi. Miễn học phí. Có học bổng cho sinh viên sư phạm. Sau khi ra trường phải có chế độ bởi theo phân tích, nếu “chân trong” giáo dục ngắn và “chân ngoài” dài thì họ không toàn tâm cho giáo dục.
Xác định rõ vai trò chủ thể của đổi mới
Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) nêu quan điểm bằng góc nhìn cá nhân về đổi mới giáo dục: “Làm gì thì điều cuối cùng cũng là con người, ai thực hiện Nghị quyết đổi mới giáo dục lần này? Nếu không làm rõ ai thực hiện thì cũng không giải quyết được gì”.
Ông Trung chia sẻ, nếu để nói về chủ thể cho công cuộc đổi mới lần này ông sẽ chọn 5 nhóm người để thực hiện Nghị quyết đổi mới giáo dục. Theo đó, phải rõ vai trò, quyền từng nhóm người, đó là “5 nhà” chủ thể ở bất cứ một nền giáo dục nào.
Thứ nhất là Nhà nước; thứ hai là nhà trường; thứ ba là nhà giáo; thứ tư là nhà mẹ (gia đình), thứ năm là nhà học (người học). “Cả 5 chủ thể này phải làm công việc của mình và làm tốt công việc của mình thì bất cứ Nghị quyết nào, bất cứ Luật nào ra mà tốt thì nền giáo dục sẽ tốt” ông Giản Tư Trung khẳng định.
Ngược lại, nếu từng nhóm người này làm không tốt việc của mình là điều tai họa của nền giáo dục, nhiệt tình mà đi kèm với không làm đúng việc là rất tai họa. Ông Trung đề nghị, trước khi làm tốt việc hãy làm đúng việc đã, còn làm tốt việc mà không đúng việc là tai họa, vì nhà nước hiện nay theo quan sát của ông đang làm nhiều công việc không phải của mình, và rất nhiều công việc của mình lại không có thời gian để đầu tư vào.
Ông Giản Tư Trung chia sẻ tại Hội thảo: "Giải pháp cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Thậm chí nhà trường cũng đang làm nhiều công việc của nhà giáo, nhà giáo lại đang làm nhiều việc của học trò. Hơn hết mỗi người hãy giành lấy quyền của mình và trả lại quyền của chủ thể khác, phải vận hành theo đúng nguyên lí, đúng hệ thống của nền giáo dục.
“Giả sử Nghị quyết đổi mới giáo dục lần này là mới thì chắc chắc phải có con người mới thực hiện nó, không thể thực hiện Nghị quyết mới bằng những con người cũ được. Con người mới từ đâu ra? Từ 2 nguồn: Đào tạo lại con người cũ và đào tạo những thế hệ con người mới hoàn toàn. Nếu nói ngắn gọn trong một câu để thực hiện bất cứ chủ trương giáo dục mới nào thì câu đó là: “Cần phải định nghĩa lại vai trò của các chủ thể then chốt nhất trong nền giáo dục quốc gia, đồng thời từng chủ thể thực hiện đúng và làm tốt vai trò của mình” ông Trung nhấn mạnh.
Nói thêm về chủ thể, ông Trung cho hay, Nhà nước hãy làm đúng công việc của nhà nước và sau đó làm tốt công việc của mình, nhà trường làm đúng công việc của nhà trường và sau là làm tốt công việc nhà trường, nhà giáo làm đúng công việc nhà giáo và sau đó làm tốt công việc của mình, gia đình làm đúng công việc của mình và làm tốt công việc của họ và người học. Chủ thể phải giành tới quyền làm ra chính mình, không được cho bất cứ ai tước mất quyền này.
TS. Nguyễn Tùng Lâm lại muốn xác định rõ thật cụ thể chủ thể của cuộc đổi mới giáo dục này, nhưng cần thêm rõ trách nhiệm, nhất là chủ thể quản lí.
Vấn đề đội ngũ cho đổi mới giáo dục, TS. Tùng Lâm trao đổi thẳng thắn với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển rằng, nếu chờ đào tạo những người mới sẽ mất mấy năm, nhưng Nghị quyết nói phải làm ngay, ít nhất năm 2015, vậy năm tới đây giáo viên phải được bồi dưỡng chứ không thể chờ tới 2015. Và trong đó phải coi trọng đào tạo lại nghiệp vụ của giáo viên, không trông chờ vào bằng cấp của giáo viên, đừng cói bằng cấp là chuẩn.
“Phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất nhà giáo để đánh giá lại, gắn đào tạo lại theo hình thức lí luận, phải có thời gian đổi mới, và xác nhận cấp chứng chỉ. Sử dụng, đãi ngộ nhà giáo cũng phải tiếp tục” TS. Tùng Lâm nêu kiến nghị.