Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Những câu chuyện người mẹ bên ngoài... trường thi

Cập nhật 05/07/2013 - 11:02:03 AM (GMT+7)

Bên trong những phòng thi, các thí sinh (TS) căng thẳng với những đề thi, thì bên ngoài, hàng nghìn phụ huynh vạ vật, chờ đợi với sự mong ngóng cao độ. Ai cũng mong ước con mình được bước chân vào giảng đường đại học, dù phía trước vẫn còn lắm khó khăn…

Người mẹ đụng gì làm đó

Không dễ để bắt đầu câu chuyện với phụ huynh này, bởi chị cứ cười hiền lành trước những câu hỏi. “Con gái tôi không cho nói chuyện với người lạ, kể chuyện gia đình với người ta cháu càng không muốn. Cháu nói gì thì gì cũng phải tự mình mà vươn lên, chứ đừng kể khổ với người ta làm gì?”, chị Trương Thị Nga, quê ở Kon Tum, hồn hậu nói.

 Chị Trương Thị Nga đứng ngóng con trước cổng trường thi
Chị Trương Thị Nga đứng ngóng con trước cổng trường thi

Rồi câu chuyện bắt đầu giữa cái nắng gay gắt của Đà Nẵng, với sự thuyết phục của người viết. Con chị là TS Trần Thị Hằng, chị đưa con xuống Đà Nẵng dự thi vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Chị vốn có 2 đứa con gái, đứa lớn cũng đang theo học tại ĐH Đà Nẵng. “Chị của Hằng vừa học, vừa làm thêm. Cháu gọi điện về kể làm thêm đủ thứ, dạy thêm, đi bán cơm cho người ta, nghĩ cũng tội, mà tôi ở trên ấy cũng không thể lo cho xuể được!”.

 

 Mỗi người mẹ, một tâm trạng
Mỗi người mẹ, một tâm trạng

 

Chị Nga kể, chị là lao động chính trong nhà, công việc chính của chị là đi làm thuê: “Tôi làm đủ chuyện, ai kêu gì làm thì làm nấy, ngày kiếm được 100.000 đồng. Dạo trước cha cháu cũng đi làm thuê với tôi, nhưng mấy năm gần đây ổng đau ốm liên miên, nên cứ phải tằn tiện, xoay xở trong số tiền đó mà sinh sống!”.

Khi hỏi về việc học của con, chị lại cười ngượng nghịu, chị không biết Hằng học trường nào, tốt nghiệp được bao nhiêu điểm, chỉ biết rằng con đậu tốt nghiệp và nói sẽ xuống Đà Nẵng dự thi. Lo cho con, chị Nga xuống theo.

“Mấy ngày ni cũng có được mấy cháu tình nguyện phát cơm cho ăn, nên cũng bớt chi phí. Nhưng cũng tốn kém lắm, trước khi đi tôi cũng qua mượn tiền anh em, bà con chòm xóm, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ để con bé đi thi!”, chị Nga nghẹn giọng.

 Mỗi người mẹ, một tâm trạng
Những ánh mắt dõi vào phòng thi

“Cũng mong cháu đậu đại học. Hồi học phổ thông, cháu được miễn học phí hết, cũng đỡ. Nay vào đại học, chắc phải xin vay của Nhà nước cho cháu đi học, rồi cháu phải làm thêm để chi tiêu khi đi học. Còn tôi thì phải tằn tiện lo cho cha cháu, rồi ráng làm thêm kiếm tiền gửi xuống cho cháu đi học! Ước mơ đời tôi chỉ mong con được đi học đàng hoàng” chị Nga chia sẻ, làm những bậc phụ huynh đợi con xung quanh đều hết sức cảm thông…

Bán heo, bán lúa cho con đi thi

Chị Nguyễn Thị Ba (trú Khâm Đức, H.Quế Sơn, Quảng Nam) ngồi vệ đường đợi con làm bài thi tại điểm thi THPT Trần Phú, Đà Nẵng cũng tràn đầy hy vọng: “Lúc trưa hỏi nó nói thi làm bài môn toán cũng được. Hy vọng những môn tiếp theo sẽ suôn sẻ hơn!”.

Người mẹ quanh năm mưu sinh bằng nghề làm nông chia sẻ, Nguyễn Trần Kiều Duyên, con chị năm nay thi vào khoa Đông phương học, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Duyên là chị lớn trong gia đình 4 chị em.

“Lần đầu tiên dẫn con đi thi, thấy căng thẳng lắm! Nhưng cũng phải giấu lo lắng vô trong, để động viên cháu làm bài cho tốt!”.

 Thấp thỏm không yên
Thấp thỏm không yên

Trước khi bước vào kỳ thi, chị Ba cũng bán lứa heo của mình được vài triệu đồng, nhét cho con xuống Đà Nẵng ôn luyện trước. Rồi trước ngày thi 2 hôm, chị xuống động viên và đưa con đi thi. “Có mẹ ngồi ngoài ni đợi chắc nó sẽ tự tin mà làm bài hơn”, chị Ba cười tươi giữa nắng hè gay gắt.

“Nếu Duyên nó đậu, tui cũng tính rồi, sẽ làm đơn vay tiền theo chế độ để nó đi học rồi từ từ trả dần, chớ thu nhập kiểu nghề nông không đảm bảo cho cháu nó học 4 năm đại học ở xa nhà đâu! Nhưng cũng đừng nói với nó, không nó lo, ảnh hưởng tâm lý làm bài của nó!”, chị Ba dặn dò.

Cũng như chị Ba, chị Nga, những người mẹ, người cha suốt đời không biết nhiều đến con chữ, nhưng vẫn quyết tâm giúp định hướng con con cái mình một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước, bằng việc tiếp cận kiến thức ở những giảng đường đại học. Dù khó khăn nhọc nhằn, nhưng họ không bao giờ từ nan…

 (Theo Thanh Niên)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật