Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Nobel 2011: 13 gương mặt với 6 lĩnh vực đóng góp cho thế giới

Cập nhật 12/10/2011 - 11:21:07 AM (GMT+7)
Ngày 10/10/2011, với việc xướng tên hai chuyên gia kinh tế Mỹ nhận giải Nobel kinh tế, mùa giải Nobel 2011 đã khép lại. Cùng điểm danh những gương mặt được vinh danh và những công trình mang tính cách mạng của họ.

 

 

 

Nobel kinh tế cho công trình “kinh tế vĩ mô”

Ngày 10/10, giải Nobel kinh tế được trao cho hai chuyên gia kinh tế Mỹ, ông Thomas J.Sargent giáo sư đại học New York và ông Christopher A.Sims, giáo sư đại học Princeton, vì công trình nghiên cứu giúp đỡ các chính phủ và các ngân hàng trung ương lựa chọn các giải pháp cho khủng hoảng kinh tế.

Ông Thomas J.Sargent, giáo sư đại học New York và ông Christopher A.Sims, giáo sư đại học

Princeton.

Ông Thomas Sargent, sinh năm 1943 tại California, là giáo sư trường đại học New York “đã giúp hiểu được tác dụng của việc thay đổi chính sách”, còn nghiên cứu của ông Christopher Sims, sinh năm 1942 tại Washington “tập trung vào phương cách mà các cú sốc đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế”.

Tuy nhiên giải pháp của họ không đáp ứng ngay lập tức các vấn đề hiện nay. Giáo sư Sims, 68 tuổi, thuộc đại học Princeton nói: “Các phương pháp mà tôi và Tom sử dụng là cần thiết để tìm ra cách đối phó với cơn lộn xộn hiện nay”.

Sargent cũng 68 tuổi, là giáo sư môn kinh tế và quản lý doanh nghiệp tại đại học New York, đã thiết lập mô hình toán học trong chuyên cứu của ông và viết nhiều bài về vấn đề này trong thập niên 1970.

 
 
Ủy Nobel của Hoàng Gia Thụy Điển nhận xét: “Công trình tổng thể của họ về nguyên nhân và hậu quả trên kinh tế vĩ mô đã thiết lập nền tảng cho sự phân tích nền kinh tế vĩ mô hiện đại của thế giới”.
 Các chính phủ và ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ đang chật vật với các chính sách để đối phó với những vấn đề nghiêm trọng của kinh tế, trong đó có tình trạng nợ nần cao, thất nghiệp và tăng trưởng chậm.

Nobel Hòa bình, thắng lợi của nữ quyền

Ngày 7/10, giải Nobel Hoà bình đã lần đầu tiên trong lịch sử được đồng trao tặng cho ba phụ nữ. Uỷ ban Nobel đặc biệt muốn tuyên dương những nhà đấu tranh cho nữ quyền.

(Từ trái qua) bà Ellen Johnson Sirleaf - Leymah Gbowee - Tawakkul Karman

Ba phụ nữ được giải Nobel Hòa bình 2011 là nữ tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà đấu tranh người Liberia Leymah Gbowee và nhà đấu tranh người Yemen Tawakkul Karman.

Với việc đồng trao giải Nobel cho ba nhân vật nói trên, Uỷ ban Nobel đặc biệt muốn tuyên dương những nhà đấu tranh cho nữ quyền và qua đó nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong việc kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Được mệnh danh là “Người đàn bà gan thép” và tuy trong nước thường bị chỉ trích, nhưng dẫu sao bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, đã đi vào lịch sử, khi vào năm 2005 trở thành phụ nữ được bầu tiên được bầu làm tổng thống ở châu Phi, lãnh đạo một quốc gia bốn triệu dân.
Ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống vào năm 2006, bà Sirleaf đã đề ra mục tiêu xóa nợ và thu hút đầu tư ngoại quốc để tái thiết đất nước, mục tiêu mà bà đã đạt được một phần. Trong suốt cuộc đời đấu tranh chính trị, bà Sirleaf vẫn quyết liệt chống tham nhũng và đòi cải cách sâu rộng các định chế tại Liberia.

Bà Sirleaf đã không thể lên nắm quyền nếu không có công sức là một phụ nữ Liberia khác, đó là bà Leymah Gbowee, vốn được mệnh danh là “nữ chiến binh của hòa bình”, vì chính bà đã khởi xướng một phong trào hòa bình góp phần chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia vào năm 2003.

Sáng kiến của bà Gbowee, được tung ra vào năm 2002, rất độc đáo: mọi phụ nữ, bất kể thuộc tôn giáo nào, đều từ chối quan hệ tình dục với đàn ông, khi nào mà chiến tranh còn tiếp diễn. Phong trào này mạnh đến mức Charles Taylor, sau này trở thành tổng thống Liberia, phải chấp nhận cho phụ nữ tham gia các cuộc hòa đàm.

Là người thứ ba được đồng trao giải Nobel Hòa bình năm nay, bà Tawakkul Karman, một phóng viên người Yemen, đã trở thành phụ nữ Arập đầu tiên được tặng thưởng giải này. Bà cũng là người đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh cho nữ quyền, cho dân chủ và hòa bình ở Yemen.

Giải Nobel Hòa bình 2011 dĩ nhiên là đã được nhiều nhà lãnh đạo nữ trên thế giới hoan nghênh. Tiêu biểu là phản ứng của thủ tuớng Đức Angela Merkel, vốn được coi là phụ nữ có thế lực nhất toàn cầu.

Nobel văn học - “sự tiếp cận tươi mới với hiện thực”

Ngày 6/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải Nobel Văn học 2011 được trao tặng cho nhà thơ Tomas Transtromer, vì “thông qua những hình ảnh mờ ảo, súc tích, ông mang đến cho chúng ta sự tiếp cận tươi mới với hiện thực”.

Nhà thơ Thụy Điển, Tomas Transtromer

Nhà thơ Thụy Điển, Tomas Transtromer năm nay 80 tuổi là một gương mặt quen thuộc đối với văn đàn Bắc Âu. Ông từng được đề cử lần đầu tiên để trao tặng giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1973.

Xuất thân là một nhà tâm lý học, Transtromer luôn tìm tòi những mối liên hệ mật thiết giữa cái “nội tâm thầm kín với thế giới bên ngoài” để đưa vào thi ca. Những bài thơ của ông tràn ngập những hình ảnh, ẩn dụ mà tất cả đều rất bình dị: đó là những hình ảnh của cuộc sống hàng ngày, của con người và thiên nhiên.
Thơ của Transtroemer luôn chứa đầy sự tưởng tượng và cảm xúc. Nhưng nó cũng có cả những chi tiết gây ngạc nhiên khiến tác phẩm của ông vừa khó đoán bắt, vừa tươi mới. Ông còn được xem là bậc thầy của thuyết thần bí, thường khiến thời gian trôi chậm lại trong tác phẩm của mình để phân tích, mổ xẻ mối quan hệ giữa nội tại bản thân và thế giới xung quanh.

Năm 1966, Tomas Transtromer đoạt giải thưởng văn học Bellman của nhà xuất bản Thụy Điển cùng tên. Năm 1981, ông được trao tặng giải thưởng Pétrarque của châu Âu và sau đó ông đã nhận giải thưởng văn học Quốc tế Neudstadt của Mỹ vào năm 1990.
Cùng năm ông bị tai biến mạch máu não và bán thân bất toại. Công việc sáng tác của nhà thơ Transtromer bị chựng lại và mãi 6 năm sau ông mới cho ra đời tập thơ thứ 16 mang tên “Con thuyền phiền muộn”.

Nobel hóa học - thay đổi quan niệm về vật thể rắn

Người được trao giải thưởng Nobel Hóa học hôm 5/10 là giáo sư Daniel Shechtman, người Israel, với công trình khám phá quasicrystal (tạm dịch là giả tinh thể) của vật chất.

Giáo sư Daniel Shechtman

Tháng 4/1982, giáo sư Schectman đã phát hiện một loại thủy tinh mà các nguyên tử được sắp xếp theo mô hình không thể lặp đi lặp lại, trái ngược hẳn với quy luật của thiên nhiên. Ông đã gọi đó là giả tinh thể.

Viện Khoa học Hoàng Gia Thụy Điển nói rằng khám phá của ông Shechtman đã thay đổi cách thức các nhà hóa học nhận thức về các vật thể rắn.

Ông Schectman sinh năm 1941 tại Tel Aviv, là giáo sư danh dự của Học viện Công nghệ Haifa, Israel.

Nobel Vật lý - vinh danh phát hiện về vũ trụ

Ngày 4/10, Ủy ban Nobel tại Stockholm đã quyết định trao giải Nobel Vật lý cho hai nhà vật lý thiên văn người Mỹ Saul Perlmutter và Adam Riess, cùng với nhà khoa học Brian Schmidt, mang hai quốc tịch Mỹ-Australia. Ba người này đã có công "phát hiện sự giãn nở với tốc độ đang tăng nhanh của vũ trụ".

Bản thông báo của Ủy ban Nobel ghi nhận : "Các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng chục vụ nổ của các vì sao gọi là sao siêu mới, và phát hiện ra rằng vũ trụ đã giãn ra với một tốc độ gia tăng thường trực".

Đối với Ủy ban Nobel, từ một thế kỷ nay, người ta đã biết là vũ trụ đang trên đà giãn nở. Nhưng khám phá về việc đà giãn nở đó tăng tốc thì lại là một phát hiện đáng kinh ngạc. Nếu đà này tiếp tục, vũ trụ sẽ “kết thúc trong băng giá”.

 

Cũng theo Ủy ban Nobel, bằng cách quan sát một loại sao siêu mới đặc thù, những người được trao giải đã "phát hiện ra hơn năm mươi sao siêu mới ở rất xa mà ánh sáng thấp hơn so với dự kiến đó là "một dấu hiệu cho thấy đà mở rộng của vũ trụ đang tăng tốc".

Ở đầu thế kỷ trước, nhà thiên văn Hubble đã phát hiện được là vũ trụ đang giãn nở. Trong những năm gần đây, một số nhà thiên văn muốn nghiên cứu quá trình giãn nở của vũ trụ bằng những phương pháp hiện đại.

Trong những thập niên cuối cuả thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, giải Nobel vật lý đã được trao cho không ít các nhà thiên văn như Penzias, Wilson, Smoot và Mather. Việc trao giải Nobel năm nay cho ba nhà thiên văn Perlmutter, Schmidt và Riess là để tiếp tục vinh danh những công trình khám phá vũ trụ.

Nobel Y học - phát hiện có giá trị cách mạng

Giải Nobel Y học mở đầu mùa giải Nobel năm nay, vinh danh 3 chuyên gia miễn dịch học Pháp, Mỹ, Canada

Các nhà nghiên cứu Bruce Beutler (Mỹ), Jules Hoffmann (người Pháp gốc Luxembourg) và Ralph Steinman (Canada)

Giáo sư Jules Hofmann, 70 tuổi, người Pháp sinh quán tại Luxembourg, giáo sư Mỹ Bruce Beutler 55 tuổi và giáo sư người Canada Ralph Steinman 68 tuổi. Phát minh của ba nhà khoa học được Ủy ban Nobel y học Thụy Điển nhận định là “có giá trị cách mạng”.

Jules Hoffmann, nguyên Giám đốc nghiên cứu Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp tại Strasbourg và giáo sư Mỹ Bruce Butler ở La Jolla chia nhau phân nửa phần thưởng Nobel. Vị thứ ba là bác sĩ Ralph Steinman người Canada, giáo sư miễn dịch học tại đại học Rockerfeller tại New York nhận nửa giải thưởng cao quý này. Tuy nhiên, ông Ralph Steinman lại qua đời cách đây ba hôm vì bệnh ung thư.

Họ đã mở ra con đường phát minh thuốc trị liệu và thuốc ngừa mới chống các bệnh do nhiễm trùng. Giáo sư bác sĩ Jules Hoffmann, năm 1996, phát hiện cách ruồi giấm tự vệ chống nhiễm trùng. Hai năm sau, tiến sĩ Bruce Beutler khám phá ra cách thức đề kháng của ruồi giấm và động vật có vú. Trong khi đó thì bác sĩ Ralph Steiman tìm ra “tế bào hình sao” kích hoạt hệ thống miễn dịch.

(Theo Báo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật