Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Hệ tại chức đã bị biến tướng

Cập nhật 13/12/2010 - 11:11:41 AM (GMT+7)
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, GS Phạm Minh Hạc - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - đã nhận xét một cách ngắn gọn về thực trạng đào tạo hệ tại chức là “xô bồ, lỏng lẻo và tùy tiện”

GS Phạm Minh Hạc khẳng định:

- Mở rộng các hình thức đào tạo khác nhau nhằm tạo điều kiện cho nhiều người được học, hướng tới xây dựng một xã hội học tập suốt đời là một hướng đi đúng. Nhưng vấn đề đào tạo tại chức hiện nay không ổn do sự lệch lạc trong động cơ của người dạy, người học và của cơ sở đào tạo. Nhiều trường hiện nay cố gắng phình to quy mô đào tạo tại chức chỉ với mục đích tăng thu nhập. Có những trường đại học trống vắng giảng viên giỏi vì mải mê chạy theo tại chức, trong khi “trận địa” là đào tạo chính quy và trách nhiệm nghiên cứu khoa học.

Tình trạng này không chỉ khiến “tại chức” có vấn đề mà “chính quy” cũng bị ảnh hưởng. Định mức tiết dạy của giảng viên khoảng 300 tiết/năm thì thực tế nhiều giảng viên đã dạy đến 1.000 tiết/năm. Dạy nhiều thế trong khi điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng như giáo trình, tài liệu, thiết bị hỗ trợ dạy học không có, thời gian của người học bị hạn chế thì chất lượng tại chức kém là đương nhiên.

Quy mô tăng chóng mặt!

 

Hệ tại chức chủ yếu phục vụ người chạy theo bằng cấp

“Mục đích ban đầu của hệ đào tạo tại chức là nâng cao, bổ sung kiến thức cho những người đã có thâm niên làm việc cũng bị biến tướng, “tại chức” hiện nay chủ yếu phục vụ những đối tượng chạy theo bằng cấp, bằng mọi cách để có tấm bằng xin việc, có bằng để hợp thức hóa các quy định về tuyển dụng”.

GS Phạm Minh Hạc

* Theo GS, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các cơ sở đào tạo như thế nào với những bất ổn trong đào tạo tại chức? Vì sao tình trạng chất lượng tại chức yếu kém kéo dài nhưng không thể khắc phục, thậm chí còn có dấu hiệu xấu hơn?

- Tôi nghĩ trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ GD-ĐT. Tôi chỉ nói cụ thể ở việc bung ra về số lượng trong đào tạo tại chức. Cách đây khoảng tám năm, khi tôi còn ở ban khoa giáo T.Ư (GS Phạm Minh Hạc là nguyên phó ban khoa giáo T.Ư - PV), chúng tôi đã trực tiếp tổ chức khảo sát và bất ngờ vì có đến 40 vạn sinh viên tại chức trong tổng số 70-80 vạn sinh viên.

Với kết quả khảo sát này, chúng tôi đã cảnh báo về quy mô đào tạo tại chức và có một kiến nghị yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chấn chỉnh ngay việc giao chỉ tiêu tại chức cho các cơ sở đào tạo. Nhưng thực tế, quy mô tại chức sau tám năm còn tăng chóng mặt. Theo số liệu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cung cấp tháng 4-2010, cả nước đã có gần 1 triệu sinh viên hệ tại chức, trong khi tổng số sinh viên nói chung có khoảng 2 triệu. Việc quy mô tại chức gần bằng 50% so với quy mô đào tạo chung là việc không thể chấp nhận được.

Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở nhưng đã không cân nhắc, đặc biệt không kiểm soát được việc đảm bảo các điều kiện để bảo toàn chất lượng của các cơ sở này. Sự buông lỏng từ phía cơ quan quản lý nhà nước chính là nguyên nhân làm gia tăng và kéo dài tình trạng đào tạo kém chất lượng của hệ tại chức.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, những người đứng đầu các cơ sở đào tạo tại chức trong việc chạy theo mục tiêu “tăng thu nhập” mà bỏ qua chất lượng, gây tác hại lâu dài sau này.

Hiệu trưởng sai phải bị cách chức

* Theo GS, cần có những giải pháp cụ thể nào, trong đó giải pháp nào cần làm ngay, làm quyết liệt để hạn chế việc đào tạo tràn lan, kém chất lượng?

- Không thể đơn lẻ thực hiện một vài việc mà mong giải quyết được tình trạng này, trong đó cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cơ quan tuyển dụng lao động đều phải cùng vào cuộc với một loạt giải pháp liên hoàn. Nhưng trong đó vai trò quan trọng nhất, trách nhiệm lớn nhất và khả năng giải quyết đều nằm ngay trong tay của Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý và các trường đại học, là đơn vị thực hiện.

Bộ GD-ĐT phải nghiêm khắc xem xét lại việc giao chỉ tiêu đào tạo, không nên chạy theo số lượng đào tạo không chính quy để đạt được mục tiêu về số sinh viên/vạn dân khi các trường đại học chưa thể đủ lực mở rộng đào tạo chính quy. Việc giao chỉ tiêu đào tạo phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực lực của các cơ sở, không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo tại chức.

Theo quan điểm của tôi, chỉ nên cho phép một số trường đại học được đào tạo tại chức. Và Bộ GD-ĐT cần xem lại quy định về đối tượng người được học tại chức. Tôi cho rằng nên duy trì quy định trước đây là chỉ cho phép người đã có thâm niên làm việc một vài năm mới được học tại chức.

Bộ GD-ĐT phải có quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc xử lý các cơ sở đào tạo làm trái, trong đó người chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo tại các cơ sở là hiệu trưởng. Cụ thể, cơ sở làm sai phải bị cắt chỉ tiêu, cấm đào tạo, hiệu trường làm sai có thể sẽ bị cách chức. Nếu phải nhận trách nhiệm rõ ràng, hiệu trưởng sẽ phải có các biện pháp để kiểm soát việc giảng dạy của giảng viên, việc tổ chức dạy học...

Trước mắt, Bộ GD-ĐT nên xem xét đề nghị các cơ sở đào tạo tách hẳn khâu kiểm tra, đánh giá, độc lập với hoạt động giảng dạy. Có nghĩa thầy dạy cứ dạy, nhưng việc tổ chức thi, ra đề, chấm thi do một bộ phận độc lập. Giải pháp này sẽ khiến học viên không thể ỉ lại vào việc “nâng đỡ” của thầy, muốn có bằng thật phải học thật.

Cách làm của Đà Nẵng chưa hợp lý

* GS có cho rằng việc đổi mới quan điểm tuyển dụng cũng là một giải pháp mạnh có thể làm chuyển biến chất lượng đào tạo tại chức?

- Hiện nay có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở tư nhân đã thực hiện việc tuyển dụng lao động căn cứ vào năng lực thực tế chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp. Việc xếp lương, thăng chức trong những cơ sở này cũng liên quan đến năng lực làm việc, quá trình cống hiến thực tế của người lao động. Cách tuyển dụng như vậy bắt buộc người lao động muốn trụ được phải học thật sự, không chỉ học ở cơ sở đào tạo mà phải học cả trong quá trình làm việc.

Vấn đề nặng về bằng cấp hiện nay chủ yếu ở khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp, do cơ chế tuyển dụng, cơ chế đãi ngộ đều được xem xét trên cơ sở bằng cấp. Việc này đã khiến một bộ phận cán bộ công chức chạy theo bằng cấp, hợp thức hóa bằng cấp để có chỗ làm trong cơ quan nhà nước và thăng tiến. Và cách nhanh hơn, dễ dàng hơn là đăng ký học để lấy tấm bằng tại chức. Nhiều bạn trẻ không đủ khả năng thi đậu vào các cơ sở đào tạo hệ chính quy cũng chọn cách học tại chức để có bằng cộng với quan hệ đi bằng “cửa sau” để xin việc.

Thay đổi quan điểm về tuyển dụng sẽ giúp các cơ sở cần tuyển dụng lao động tuyển được đội ngũ có chất lượng và cũng gián tiếp làm thay đổi động cơ của người học. Người học muốn học thật thì người dạy, cơ sở dạy cũng phải lựa chọn hướng cạnh tranh về chất lượng để thu hút được người học.

* Như vậy GS có ủng hộ quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng trong chủ trương không tuyển dụng người tốt nghiệp tại chức?

- Tôi ủng hộ Đà Nẵng về chủ trương, đánh giá cao ý tưởng của địa phương này muốn sàng lọc để có một đội ngũ cán bộ có chất lượng. Nhưng tôi thấy cách làm của Đà Nẵng chưa hợp lý. Theo Luật giáo dục, bằng chính quy hay không chính quy đều được công nhận. Việc mở rộng các hình thức đào tạo khác nhau cũng có những lợi ích nhất định. Vì vậy việc tuyển dụng theo kiểu “phân biệt bằng cấp” thì không hay.

Có nhiều cách làm hay hơn để đạt được mục đích trên. Ví dụ ngoài yếu tố bằng cấp, cơ quan tuyển dụng cần thực hiện việc thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp đối với các ứng viên, không phân biệt người có bằng tại chức hay chính quy. Sau khi được tuyển, những người được chọn vẫn phải trải qua quá trình thử việc, tập sự và phải chấp nhận cơ chế đào thải bằng các đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ về năng lực, hiệu quả làm việc, các cống hiến thực tế...

GS Phạm Minh Hạc - Ảnh: Vĩnh Hà

(Theo Tuổi trẻ Online)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật