Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, cuối tuần qua Sở GD-ĐT TP đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và tổng kết thi đua - khen thưởng năm học 2013-2014. Đây thực sự là một ngày hội của hơn 70 ngàn thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang làm việc trong ngành GD-ĐT TP...
Thầy, cô là biểu tượng của hiểu biết và phẩm hạnh
Bác Hồ đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
“Để xứng đáng với nhiệm vụ vẻ vang ấy, chúng ta tự hào có đội ngũ thầy cô giáo mẫu mực, tận tâm, luôn yêu thương và hết lòng vì đàn em thân yêu. Biết bao thầy giáo, cô giáo đang vượt qua những khó khăn đời thường, bám trường bám lớp, tích cực sáng tạo, không ngừng vận dụng những phương pháp dạy học mới, hiện đại vào từng bài giảng; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng để làm gương cho các em học sinh. Chính các thầy, cô đang tiếp lửa vinh quang cho nghề sư phạm...”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Và điều đó đã làm nên những thành tích đáng nể của ngành GD-ĐT TP. Những thành tích đó đã đáp ứng được sự kì vọng của lãnh đạo và nhân dân TP.
Tri ân những đóng góp thầm lặng mà cao quý của đội ngũ nhà giáo, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận phát biểu: “Lãnh đạo TP và nhân dân, phụ huynh học sinh đều dành những tình cảm đặc biệt đến các thầy, cô giáo, đặc biệt là vào dịp khai giảng năm học mới và Ngày Nhà giáo Việt Nam. Lãnh đạo TP trân trọng những kết quả mà ngành GD-ĐT đạt được trong nhiều năm qua. Riêng năm 2014, chúng tôi mong muốn các thầy, cô luôn mạnh khỏe để triển khai, thực hiện có hiệu quả nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt là đề án hỗ trợ giáo dục đã được lãnh đạo TP phê duyệt nhằm thực hiện các nội dung mà nghị quyết 29 đề ra. Chúng tôi mong muốn các thầy, cô sẽ là biểu tượng của hiểu biết và phẩm hạnh, phát triển với chất lượng cao nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cả nước”.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Dịp này, ngành GD-ĐT TP đã có 17 nhà giáo được nhận Huân chương Lao động hạng 3, 49 nhà giáo được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 24 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, 12 cá nhân được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT, 3 tập thể được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc, 16 tập thể được tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT... Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng đã tặng giấy khen cho 71 giáo viên có thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng học sinh giỏi.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trao cờ Đơn vị tiêu biểu xuất sắc của ngành giáo dục TP do Bộ GD-ĐT tặng. Ảnh: Q.Huy
|
Trong số những nhà giáo hết lòng vì học sinh có cô Đinh Thị Kim Thúy - giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1987, cô Thúy ra trường. Cũng như bao giáo sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hồi ấy, cô Thúy được phân công về dạy ở Kiên Giang. 2 năm sau thì chuyển về Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM. 35 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Thúy đã “cung cấp” cho xã hội hàng ngàn công dân ưu tú. Điều đáng nói là trong số đó có những em vốn là học sinh “đặc biệt”.
Cô Thúy kể: “Năm học 2012-2013, tôi chủ nhiệm lớp 12A6, trong lớp có một học sinh nam rất nóng nảy. Em thường có xu hướng dùng vũ lực với bạn bè. Có lần em đã đánh một học sinh lớp khác, phụ huynh của học sinh bị đánh đã yêu cầu tôi phải đưa trường hợp này ra hội đồng kỷ luật của trường. Lúc đó tôi nghĩ, nếu đưa ra thì chắc chắn cậu học sinh nóng nảy này sẽ tiếp tục đánh cậu học sinh kia. Không những vậy, nếu đưa ra hội đồng kỷ luật thì em sẽ bị cấm thi. Do vậy, tôi đã xin lỗi phụ huynh của học sinh bị đánh, lo tiền thuốc men cho em. Biết được việc làm của tôi, cậu học sinh này đã tự sửa mình - em ngoan hiền hơn và cố gắng học hành chăm chỉ. Bây giờ em đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH An ninh (Hà Nội). Năm học 2013-2014, tôi chủ nhiệm lớp 12A2, tôi cũng gặp một trường hợp đặc biệt. Em này học rất giỏi nên có phần “chảnh”. Gần cuối học kỳ I, tôi yêu cầu cả lớp làm bản tự kiểm, cả lớp ai cũng làm nhưng em này không chịu làm. Tôi nói: “Em không làm, cô cho đạo đức trung bình”. Em chấp nhận luôn. Thế là tôi “nhờ” ban cán sự lớp “giải quyết” trường hợp này. Sau đó em đã xin lỗi tôi. Tôi dự kiến hạnh kiểm của em là khá. Đến cuối học kỳ, điểm tổng kết các môn của em là 8,9, đứng thứ 2 trong lớp. Nếu hạnh kiểm là khá thì chắc chắn em sẽ không được danh hiệu học sinh giỏi. Lúc đó em đã làm cam kết với tôi, học kỳ II sẽ tham gia hoạt động phong trào, giúp đỡ cho các bạn học sinh yếu. Với phương châm: “Giơ cao đánh khẽ”, tôi đã xếp loại hạnh kiểm của em là tốt để em được danh hiệu học sinh giỏi. Nhờ vậy, trong kỳ thi ĐH vừa qua, em đã đậu 2 trường ĐH (Y khoa Phạm Ngọc Thạch - 25,5 điểm và Bách khoa - 26 điểm). Hiện em đang học tại Y khoa Phạm Ngọc Thạch...”.
Hòa Triều
Phong tặng 719 NGND, NGƯT
Năm 2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng 39 nhà giáo nhân dân (NGND) và 680 nhà giáo ưu tú (NGƯT). Trong số 39 NGND được phong tặng lần này có 2 nhà giáo là nữ, 6 nhà giáo đang công tác tại các trường phổ thông và 33 nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ĐH. NGND cao tuổi nhất năm nay là GS. Lê Quang Long (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), 95 tuổi. Trong số 680 NGƯT được phong tặng có: 288 nhà giáo là nữ; 19 nhà giáo là người dân tộc; 432 nhà giáo đang làm việc tại các trường phổ thông, 248 nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH. NGƯT trẻ tuổi nhất năm nay là cô giáo Mai Thị Thắm (tỉnh Bình Phước), 34 tuổi. Phát biểu tại buổi lễ phong tặng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đây là những cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành giáo dục và xã hội.
N.Huê
|
(Theo GDTP.HCM)